|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: 'Gỡ thẻ vàng không chỉ vì xuất khẩu hải sản sang EU mà còn là danh dự quốc gia'

12:07 | 06/11/2019
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định việc nỗ lực gỡ thẻ vàng không phải vì riêng EU mà còn vì nghề cá bền vững. Xuất khẩu hải sản vào EU chỉ vài trăm triệu USD không có ý nghĩa nhiều về kinh tế nhưng đây là danh dự quốc gia.

Tổng cộng 25 quốc gia bị EU áp thẻ

Trả lời đại biểu Quốc hội về gỡ thẻ vàng IUU, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đưa bộ luật IUU chung cho 28 quốc gia thành viên và các nước xuất khẩu hải sản vào EU.

IMG_7843

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. (Ảnh: Bộ NN&PTNT)

Luật cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo hoặc khai báo không đúng nhằm bảo vệ tài nguyên đại dương.

Năm 2011 chế tài này có hiệu lực. Từ đó đến nay có 25 quốc gia bị áp thẻ vàng và đỏ. Nếu bị áp thẻ vàng thì tất cả 100% các lô hàng xuất hải sản xuất khẩu sang EU đều bị kiểm tra, thay vì kiểm tra xác suất như khi chưa bị áp thẻ.

Còn nếu bị áp thẻ đỏ thì quốc gia đó sẽ bị cấm hoàn toàn xuất khẩu hải sản sang EU. Ngày 23/10/2017, EU chính thức áp thẻ vàng đối với Việt Nam.

"Quan điểm của chúng tôi là là việc nỗ lực gỡ thẻ vàng không phải vì riêng EU mà còn vì nghề cá bền vững. Sau này nếu được áp thẻ vàng thì đó là điều rất mừng. Còn nếu không được thì chúng ta vẫn quyết tâm làm.

Xuất khẩu hải sản vào EU chỉ vài trăm triệu USD không có ý nghĩa nhiều về kinh tế nhưng đây là danh dự quốc gia. Nếu gỡ được thẻ vàng, hải sản Việt Nam hiên ngang xuất khẩu sang các nước trên thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Những nỗ lực gỡ thẻ vàng

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết kể từ khi bị EU áp thẻ vàng đến nay, Việt Nam đã nỗ lực với các giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng trong đó ban hành luật thủy sản với 9 nhóm kiến nghị của EU. Đồng thời Bộ NN&PTNT đã ban hành ban hành 2 nghị định, 8 thông tư.

Cho đến nay EU công nhận Việt Nam đã cải thiện khung pháp lí. Hành vi vi phạm khu vực Thái Bình Dương, các quốc đảo đã không còn trong hai năm qua.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết vẫn còn hiện tượng ngư dân vi phạm ở vùng biển phía nam. Cụ thể năm 2019, vẫn còn 113 vụ, gồm 180 ngư dân vi phạm. EU cũng đã rất gay gắt về vấn đề này.

Bên cạnh đó, tình hình thực hiện các bước khác từ tổ chức quản lí, khai báo của doanh nghiệp và ngư dân cũng chưa được tốt. Luật cho phép các địa phương thành lập tổ kiểm tuy nhiên đến nay mới chỉ có 2 tỉnh thành lập.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết từ ngày 5/11 đoàn EU chính thức đến Việt Nam để kiểm tra lần hai.

Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi 28 tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo các tỉnh rà soát và khắc phục những tồn tại của EC cũng như chuẩn bị kế hoạch, nội dung chi tiết để làm việc với đoàn thanh tra. Hiện nay 28 tỉnh, thành phố ven biển đều đã có kế hoạch chuẩn bị nội dung để làm việc với đoàn thanh tra của EC.

Việc triển khai hệ thống theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá đã được Bộ chỉ đạo, tổ chức triển khai và vận hành thí điểm trên 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên.

Trong đó, số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình như: nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên chiếm 77,1%; nhóm tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét chiếm 7,3% và nhóm tàu dưới 15 mét là 77 tàu cá.

Công tác kiểm tra, xử lí và công khai danh sách các tàu cá và chủ tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được thực hiện.

Hàng tuần các tỉnh đều có báo cáo về Bộ NN&PTNT để tổng hợp và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục cũng như công bố tại tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nêu tên và có những hình thức xử lí, xử phạt đảm bảo tính răn đe,tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.

H.Mĩ