|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia mách nước đầu tư: Bỏ tiền vào đâu trong thời kỳ lạm phát?

09:20 | 14/04/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh lạm phát hiện tại, chuyên gia cho rằng chứng khoán và trái phiếu sẽ là hai kênh đầu tư phù hợp và vẫn sinh lời, đảm bảo tính an toàn trong năm nay. Trong khi đó, thanh khoản của thị trường bất động sản trong thời điểm này vẫn còn mang tính đầu cơ.

Giá cả hàng hóa đang tăng vọt tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ. Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nguồn gốc của lạm phát hiện tại chủ yếu đến từ chi phí đẩy do giá xăng dầu tăng cao và đây lại là yếu tố có sức lan tỏa, tác động lớn trong nền kinh tế.

Mặc dù vậy, chuyên gia nhận định bức tranh vĩ mô của Việt Nam vẫn đang trong chiều hướng tốt khi xuất khẩu đang tăng trưởng trở lại, qua đó tạo ra thặng dư và gia tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm cho việc điều tiết tỷ giá.

Chuyên gia kỳ vọng các yếu tố chi phí đẩy sẽ sớm kết thúc và hạ nhiệt: "Với tỷ giá ổn định, Việt Nam có thể sẽ tránh được việc nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Bên cạnh đó, nếu tình hình căng thẳngxung đột giữa Nga - Ukraine lắng xuống cũng sẽ giúp giảm bớt áp lực lạm phát trong năm nay".

Nói về lựa chọn phân bổ tiền vào các kênh đầu tư như vàng và USD, gửi tiết kiệm, chứng khoán hay bất động sản, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng điều này sẽ phụ thuộc vào diễn biến của các yếu tố vĩ mô, bên cạnh tính an toàn và khả năng sinh lời nhà đầu tư cũng nên chú ý tới tính thanh khoảncủa các kênh đầu tư.

Chứng khoán và trái phiếu sẽ là hai kênh đầu tư phù hợp?

Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng với bức tranh tỷ giá ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát và kinh tế vĩ mô đang phục hồi trở lại, cổ phiếu và trái phiếu sẽ là hai kênh đầu tư phù hợp và vẫn sinh lời, đảm bảo tính an toàn trong năm 2022.

Mặc dù áp lực lạm phát đang gia tăng nhưng nền kinh tế vẫn có những điểm sáng như mặt bằng lãi suấtvẫn còn thấp, có thể tăngnhưng không tăng cao do Chính phủ đang trong giai đoạn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. Điều đó sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng cho thị trường chứng khoán trong năm nay. 

 Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh. (Ảnh: Nhà Đầu tư).

Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng đầu tư vào thị trường cổ phiếu là một trong những kênh tạo ra mức tăng trưởng tốt trong năm nay. 

"Lạm phát có thể tăng, song lãi suất có thể tăng chậm hơn lạm phát rất nhiều. Tôi cho rằng trong bối cảnh này, thị trường chứng khoán có thể là một kênh đầu tư tốt nhất so với các kênh đầu tư khác và yếu tố thanh khoản của thị trường chứng khoán đang rất cao", ông nói.

Song song với đó, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho biết trong bối cảnh lãi suất tăng thì trái phiếu cũng sẽ là kênh đầu tư được hưởng lợi.

"Khi lạm phát tăng và các yếu tố rủi ro biến động trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu, do đó chúng ta vẫn nên dành một tỷ trọng cho các kênh đầu tư an toàn, trong đó có trái phiếu để giảm bớt rủi ro từ thị trường cổ phiếu", chuyên gia nhận định.

Bất động sản vẫn có rủi ro

Về kênh đầu tư bất động sản, chuyên gia phân tích cho biết kinh tế Việt Nam đang bắt đầu dần phục hồi trở lại và đặc biệt là thanh khoản của bất động sản trong thời gian gần đây cũng dần khôi phục trở lại nhờ vào việc nguồn cung bất động sảnđẩy mạnh hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh cũng lưu ý mức độ hồi phục hiện nay đang mang tính chất tiêu cực, một phần là do có tính đầu cơ cao trong giai đoạn này.

Như vậy, mức độ rủi ro của các nhà đầu tư trong thời gian này cũng gia tăng nhưng cơ bản mức độ thanh khoản của thị trường thực sẽ có thể khôi phục trong năm nay. Tuy nhiên, mức độ thanh khoản chưa phải là quá nóng do hiện nay nguồn thu nhập của người dân mới hồi phục trở lại sau giai đoạn COVID-19 vừa qua.

"Tôi cho rằng phải đến thời điểm cuối năm, thanh khoản của thị trường bất động sản mới có sự hồi phục đáng kể, còn giai đoạn hiện tại chỉ mang tính đầu cơ là chủ yếu và sẽ mang tới những rủi ro tới các nhà đầu tư nếu tham gia vào các làn sóng bất động sản này", vị chuyên gia lưu ý.

Chuyên gia lưu ý kênh đầu tư bất động sản vẫn có rủi ro. (Ảnh minh họa: Zing).

Còn theo Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển sẽ không có vốn lướt song bất động sản trong năm 2022. 

"2022 không phải là năm bất động sản có thể tăng giá, thậm chí sẽ có nhiều vùng phải giảm giá thì mới bán được. Những khu vực mà năm vừa qua nhà đầu tư đón sóng với mong muốn tăng bằng lần hiện đã chững lại. Nhà đầu tư sẽ rút tiền về những nơi vững chắc hơn", ông nói.

Theo chuyên gia, hiện nay, nhà đầu tư không nên bàn về câu chuyện bất động sản tăng giá hay không mà chú ý đến thanh khoản, tức chỗ đó còn có người muốn mua hay không.

Lý giải về điều này, vị chuyên gia cho biết, trong năm 2022, 3/4 yếu tố vốn lành mạnh cho thị trường BĐS (tín dụng ngân hàng, nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp BĐS) đã quay đầu, chỉ còn lại dòng vốn từ các công ty nước ngoài. Các doanh nghiệp ngoại có thể M&A những dự án tốt trong trung hạn hoặc tìm thuê đất ở các khu công nghiệp, qua đó giúp phân khúc này tăng trưởng.

"Đối với ba nguồn vốn còn lại, dù các ngân hàng không muốn siết tín dụng thì NHNN cũng sẽ giám sát chặt chẽ; nhà đầu tư cá nhân chắc chắn sẽ e dè khi nhận thấy mất cơ hội; và vốn từ doanh nghiệp BĐS, bao gồm nguồn trái phiếu và vốn vay cũng bị siết", TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

Phương Trang

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.