|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Thương mại Mỹ sơ bộ khẳng định thép Việt Nam lẩn tránh thuế là có thật

11:47 | 09/07/2019
Chia sẻ
Bộ Thương mại Mỹ thông báo quyết định sơ bộ khẳng định thép cacbon chống ăn mòn và thép cán nguội của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Hôm 2/7, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép cacbon chống ăn mòn, thường được gọi là tôn mạ (CORE) và thép cán nguội (CRS) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc. 

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này để xuất khẩu sang Mỹ là có thật.

Vụ việc được Mỹ khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018. 

Năm 2015, Mỹ đã khởi xướng 3 vụ điều tra thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ và thép cán nguội của Hàn Quốc và điều tra thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Đài Loan. Năm 2016, Mỹ chính thức áp thuế với Hàn Quốc và Đài Loan.

Tôn mạ (CORE)

Thép cán nguội (CRS)

Thuế chống bán phá giá

Thuế chống trợ cấp 

Thuế chống bán phá giá

Thuế chống trợ cấp 

Hàn Quốc

28,28%

1,19%

20,33%

3,89%

Đài Loan

10,34%

Mức thuế Mỹ áp dụng đối với Hàn Quốc và Đài Loan. Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, nguyên đơn viện dẫn đến kết luận cuối cùng của DOC trong hai vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với cùng sản phẩm trên từ Trung Quốc (AC CORE và CRS Trung Quốc) năm 2017.

Cụ thể, quá trình sản xuất từ thép cán nóng nhập khẩu (nguyên liệu chính) sang thép cán nguội và tôn mạ tại Việt Nam là "không đáng kể" và giá trị gia tăng của hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ

Vì vậy, DOC cũng kết luận rằng có sự lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp từ Hàn Quốc và Đài Loan.

Bên cạnh đó, do Mỹ xác định Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường nên DOC cũng sử dụng giá trị thay thế từ Ấn Độ để tính toán chi phí, nhằm xác định giá trị sản xuất tại Việt Nam.

thép 6

Ảnh minh họa.

Quyết định cuối cùng vào tháng 9 nhưng Mỹ đã bắt đầu thu tiền cọc

Trên cơ sở quyết định sơ bộ của DOC, Hải quan Mỹ (CBP) sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với thép cán nguội và tôn mạ nhập khẩu từ Việt Nam mà sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan. 

Khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp cao nhất mà Mỹ đang áp dụng cho tôn mạ và thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc và Đài Loan.

Cụ thể, DOC cho phép áp dụng cơ chế chứng nhận theo các trường hợp.

(1) Các doanh nghiệp sẽ không phải đặt tiền cọc nếu chứng minh được rằng tôn mạ và thép cán nguội không được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

(2) Nếu doanh nghiệp không chứng nhận được hàng xuất khẩu sang Mỹ sử dụng nguyên vật liệu từ nguồn nào, doanh nghiệp sẽ bị áp mức thuế áp dụng đối với Trung Quốc do mức thuế này cao nhất để tránh trường hợp trốn thuế, cụ thể:

Tôn mạ (CORE)

Thép cán nguội (CRS)

Thuế chống bán phá giá

Thuế chống trợ cấp

Thuế chống bán phá giá

Thuế chống trợ cấp

Trung Quốc

199,43%

39,05%

199,76%

256,44%

Mức thuế Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc. Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại.

(3) Nếu doanh nghiệp chứng nhận được hàng xuất khẩu sang Mỹ không sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc nhưng không chứng nhận được từ nước nào, doanh nghiệp sẽ bị áp mức thuế áp dụng đối với Hàn Quốc (vì mức thuế này cao hơn của Đài Loan).

(4) Nếu doanh nghiệp chứng nhận được hàng xuất khẩu sang Mỹ không sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng không chứng nhận được từ nước nào, doanh nghiệp sẽ bị áp mức thuế áp dụng đối với Đài Loan.

Các mức thuế trên sẽ được áp dụng đối với tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Mỹ vào ngày hoặc sau ngày 2/8/2018, là ngày khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế mà chưa được thanh khoản.

Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào tháng 9/2019.

Như Huỳnh