|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bó tay với chiêu 'ăn cơm trước kẻng' của môi giới

08:15 | 26/10/2018
Chia sẻ
Mới đây, Tập đoàn Đại Phúc đã phát đi thông báo cho biết, dự án của mình đang bị môi giới tự do… “bán trộm” sản phẩm. Vụ việc này cho thấy một tình trạng phổ biến, khi chưa chính thức mở bán, nhưng chủ đầu tư lại phát hiện dự án của mình đang bị các sàn môi giới chạy quảng cáo, thậm chí đã thu tiền cọc của khách hàng.
bo tay voi chieu an com truoc keng cua moi gioi Chiêu trò 'cò ma'
bo tay voi chieu an com truoc keng cua moi gioi Môi giới bất động sản ngoại âm thầm đổ bộ Việt Nam
bo tay voi chieu an com truoc keng cua moi gioi
Cần rất thận trọng, kiểm tra kỹ khi đọc tờ rơi quảng bá dự án.

Đủ chiêu “bán trộm hàng”

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Hà Đô 756 cho biết, công ty ông hiện đang trong giai đoạn phát triển dự án bất động sản tại quận 8, TP.HCM. Hiện tại dự án mới trong quá trình hoàn tất thủ tục pháp lý và chưa chính thức mở bán cũng như chưa chọn doanh nghiệp phân phối.

Thế nhưng, nửa tháng qua, ông phát hiện có nhiều trang web chạy quảng cáo giới thiệu dự án cũng như mời chào khách hàng mua dự án này.

“Chúng tôi chưa chính thức mở bán dự án, cũng chỉ mới làm hệ thống web chứ chưa cập nhật thông tin. Vậy mà nhiều môi giới tự do, thậm chỉ cả các sàn giao dịch lại liên tục cho lập trang thông tin giới thiệu về dự án của chúng tôi. Điều này đã gây hệ lụy khi có những cơ quan thông tin đại chúng liên hệ xác minh xem có phải chúng tôi bán hàng khi chưa xong pháp lý hay không, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp”, ông Tuấn phân trần.

Cũng theo vị trưởng phòng kinh doanh này, đây không phải lần đầu dự án của Hà Đô 756 bị môi giới “cầm đèn chạy trước ô tô”. Trước đó, dự án tại quận 10 của doanh nghiệp này cũng bị dân môi giới “bán trộm hàng”, đặc biệt môi giới còn gọi thẳng cho ông Tuấn mời mua nhà tại dự án mà công ty ông đầu tư xây dựng.

Một trường hợp khác, ngày 3/10 vừa qua, Tập đoàn Đại Phúc phải ra thông báo gửi tới khách hàng và báo chí cho biết, doanh nghiệp này đang bị nhiều môi giới bất động sản chào “bán trộm” sản phẩm Dự án Khu đô thị Vạn Phúc.

Cụ thể, trong văn bản gửi báo chí, Tập đoàn này cho biết, tháng 9/2018 vừa qua, Tập đoàn Đại Phúc ghi nhận người tên Huyền có số điện thoại 0939.933.xxx có hành vi giả mạo là nhân viên bán hàng tại dự án Khu đô thị Vạn Phúc (Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức TP.HCM) do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư.

Để xác minh cụ thể, phía Tập đoàn Đại Phúc đã liên hệ với cá nhân có tên nói trên. Trong quá trình tiếp xúc, xác minh, người này cho biết hiện là nhân viên Sàn môi giới Bất động sản Long Phát, đang quảng cáo bán đất trong Khu đô thị Vạn Phúc và là nhà phân phối độc quyền của chủ đầu tư - Tập đoàn Đại Phúc.

“Qua trao đổi với các khách hàng có nhu cầu mua nhà tại Dự án Vạn Phúc cũng như tìm hiểu của phía doanh nghiệp chúng tôi, thì khi khách hàng liên hệ, Huyền hứa hẹn ngày Chủ nhật đến mở bán tại sân khấu Trống Đồng, quận 1. Nhưng khi khách hàng qua địa điểm trên, Huyền gom khách hàng chở thẳng xuống Bình Dương hoặc vùng ngoại thành khác để bán đất nền…”, đại diện Tập đoàn Đại Phúc bức xúc cho biết.

Trước đó, dự án Khu thương mại, biệt thự và chung cư cao cấp Thái Sơn Long Hậu tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cũng bị hàng loạt sàn môi giới bất động sản “bán trộm hàng”. Thậm chí, nhân viên môi giới còn tiến hành nhận tiền đặt cọc của khách hàng mua dự án này. Trong khi đó, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thái Sơn Long An (thành viên Tập đoàn T&T Group) chưa hoàn thành xong hạ tầng, chưa xong pháp lý cũng như chưa ra thông báo bán hàng.

Trước thông tin khách hàng phản ánh với chủ đầu tư rằng đang có nhiều sàn giao dịch bất động sản chào bán đất nền dự án với giá khá rẻ, Công ty Thái Sơn Long An đã có văn bản báo cáo Sở Xây dựng tỉnh Long An, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An. Trong văn bản này, Công ty Thái Sơn Long An đã báo cáo rõ sự việc, khẳng định việc một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin dự án của Thái Sơn Long An để quảng cáo không đúng sự thật là vi phạm pháp luật, gây hoang mang cho khách hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của chủ đầu tư.

Cũng trong cảnh bị “bán trộm hàng”, một chủ đầu tư dự án bất động sản tại quận 9, TP.HCM cho biết, ông bất ngờ khi vô tình lướt Facebook thấy tên dự án mà mình đang thực hiện san lấp mặt bằng bị đưa ra chào bán. Đặc biệt, thông tin dự án, tên dự án thì đúng là dự án mà doanh nghiệp ông đang triển khai, nhưng hình ảnh lại thuộc về dự án Phúc An City của Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

“Tôi trực tiếp liên hệ vào số điện thoại mà môi giới chạy quảng cáo dự án để vờ hỏi mua thì nhân viên môi giới kia giới thiệu đúng dự án của tôi và hẹn gặp tôi ở quán cà phê để giới thiệu dự án, nhưng khi tôi đòi xuống thẳng dự án thì họ không chịu. Thậm chí, khi ra gặp quán cà phê thì nhân viên môi giới đó thừa nhận ‘bán trộm hàng’ và họ cho biết, do sàn môi giới của họ được cho là sẽ tham gia bán sản phẩm ở dự án của tôi, nên đã chạy trước việc giới thiệu hàng để sau này dễ bán hơn”, vị tổng giám đốc công ty bất động sản bị “bán trộm hàng” kể.

Khó xử lý

Bà Nguyễn Hương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đại Phúc cho biết, sau khi nhận thông tin dự án của mình bị “bán trộm hàng”, Tập đoàn phải tự tiến hành điều tra và trực tiếp làm việc với người đang giới thiệu, rao bán sản phẩm của dự án để yêu cầu dừng lại. Tuy nhiên, việc này không có tác dụng nên đành phải thông tin tới khách hàng bằng việc nhờ báo chí cảnh báo hộ.

“Việc bán trộm hàng này làm ảnh hưởng rất lớn tới chủ đầu tư chúng tôi, thêm vào đó là sẽ làm khách hàng nhầm lẫn mà nhận lời mua hàng của môi giới để bị lừa”, bà Hương nói.

Còn phía Công ty cổ phần Thái Sơn Long An phải nhờ tới cả cơ quan chức năng cùng phía công an để xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, việc xử lý chỉ mới chỉ ở việc bắt môi giới trả lại tiền cho khách hàng nếu đã nhận tiền và cảnh cáo chứ chưa đưa ra được những động thái có tính răn đe cao hơn.

Giới phân tích cho rằng, để xảy ra tình trạng này đến từ việc buông lỏng quản lý các sàn môi giới. Trong đó, việc cấp phép thành lập sàn môi giới bất động sản quá nhiều, thậm chí quy định giám đốc sàn phải có chứng chỉ môi giới bất động sản mới được thành lập sàn nhưng các nhân viên môi giới sàn lại hầu như không hề có chứng chỉ môi giới để quản lý.

“Các nhân viên môi giới của các công ty kinh doanh môi giới hiện nay được quản lý cách hết sức lỏng lẻo, không ký hợp đồng lao động, không trả lương, bán được hàng thì có hoa hồng, còn không bán được hàng thì không có tiền.

Thậm chí, các doanh nghiệp bất động sản lớn, có nhiều sàn môi giới, nhưng vì lượng hàng cho nhân viên môi giới ít buộc các sàn tiến hành lấy hàng từ các dự án khác rồi bán mà chính lãnh đạo các doanh nghiệp địa ốc đó không biết.

Mọi giao dịch lại thực hiện ở sàn giao dịch đứng tên của doanh nghiệp địa ốc lớn thành lập làm khách hàng không biết đâu là môi giới thực đâu là môi giới giả”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết.

Ngoài ra, ông Châu còn cho rằng, việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã làm cho các doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn trong việc phát triển. Đơn cử như việc môi giới tự làm web rồi giới thiệu bán sản phẩm dự án mà chủ đầu tư không hề biết, khi biết thì cũng chỉ còn cách tự phòng vệ là thông báo công khai việc bị “bán trộm hàng” chứ không biết xử lý sao bởi quy định pháp luật hiện nay chưa rõ ràng đối với hành vi này.

“Ngay cả doanh nghiệp lớn như Vingroup cũng từng bị các sàn môi giới tự ý đăng thông tin bán sản phẩm tại dự án VinCity tại quận 9, TP.HCM năm 2017 và đầu năm 2018. Cách xử lý của họ cũng chỉ là cấm sàn môi giới đó bán sản phẩm của Vingroup trong thời gian tới hoặc phạt sàn môi giới đó và sau này cho họ bán chứ cũng khó xử lý về mặt pháp lý”, ông Châu cho biết.

Xem thêm

Gia Phú