Bộ Tài chính lại từ chối giảm thuế cho than
Bộ Tài chính cho rằng, Thủ tướng đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành than, với quan điểm bảo đảm xuất - nhập khẩu than hợp lý, giảm dần xuất khẩu khoáng sản. Chỉ xuất khẩu các loại than trong nước chưa có nhu cầu, thông qua quản lý bằng kế hoạch.
Theo đó, giai đoạn 2017-2020, mỗi năm xuất khẩu than khoảng 2 triệu tấn. Thuế xuất khẩu than đá đang áp dụng 10% - mức thấp nhất của khung thuế do Quốc hội quy định từ 10-45%. Mức thuế này tương đương thuế xuất khẩu than của Trung Quốc áp dụng.
Với thuế bảo vệ môi trường với than đang áp dụng từ 10.000 – 20.000 đồng/tấn (tuy loại) – mức thấp nhất trong khung thuế do Quốc hội quy định (10.000 – 50.000 đồng/tấn). Thuế môi trường với than của Việt Nam áp dụng cũng thấp hơn nhiều nước, như Trung Quốc (đang áp dụng từ 25.600 - 118.400 đồng/tấn), Đan Mạch, Đức…
Tương tự, thuế tài nguyên với than đá có mức tối đa là 20%, nhưng hiện chỉ thu từ 10% - 12% (tùy loại) - thấp hơn khung tối đa. Về phí, lệ phí với than có khung từ 10.000 - 30.000 đồng/tấn, mức cụ thể do Hội đồng Nhân dân các tỉnh thành quyết định.
Vì vậy, Bộ Tài chính khẳng định, việc giảm thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường với than xuống thấp hơn mức hiện hành vượt thẩm quyền của Chính phủ (phải do Quốc hội quyết định).
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng lập luận, hiện giá than được điều hành theo cơ chế thị trường, nhằm khuyến khích sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, giúp ngành than phát triển bền vững. Chính phủ cũng có chủ trương cấm xuất khẩu than cám, điều chỉnh hợp lý kế hoạch khai thác và dự trữ than để đảm bảo sản xuất điện từ nay tới năm 2020.
Bộ Tài chính dẫn thêm Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết 25/2016 của Quốc hội, và cho rằng: Để góp phần bảo vệ tài nguyên than, đảm bảo hợp lý tài nguyên than cho sản xuất điện, việc quy định chính sách thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường với than trong thời gian qua là phù hợp. Việc đề xuất giảm mức thuế suất với than là chưa phù hợp.
Theo Bộ Tài chính, nhu cầu nhập khẩu than cho các hộ tiêu thụ trong nước (đặc biệt cho sản xuất điện) những năm tới rất lớn. Cụ thể, dự kiến năm 2017 khoảng 11,7 triệu tấn, năm 2020 khoảng 40,2 triệu tấn, năm 2025 khoảng 70,3 triệu tấn, năm 2030 khoảng 102 triệu tấn.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu chính sách thuế tài nguyên khoáng sản phù hợp thực tế. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng có kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo điều hành chỉnh sách thuế, phí với than linh hoạt từng thời điểm.
Qua đó tạo điều kiện cho ngành than có tích lũy, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm than tồn kho để tháo gỡ khó khăn cho ngành than. Hiện TKV tồn kho khoảng 9,5 triệu tấn than. Tháng 10/2016, Bộ Tài chính cũng từng có văn bản “bác” đề xuất ưu đãi thuế cho ngành than của TKV và Bộ Công Thương. Thời điểm đó, Bộ Tài chính cho rằng, ngân sách nhà nước còn khó khăn và chính sách thuế mới áp dụng cho than chưa được nửa năm, cần có thời gian để tổng kết đánh giá. Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho TKV, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu than giai doạn 2017 - 2020 từ 2 triệu tấn/năm lên 3 - 4 triệu tấn/năm.
Riêng với thuế nhập khẩu than, mức thuế đang áp dụng với một số mặt hàng than ở mức 0%, trong khi cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sắc thuế này được thu tối đa 5%. Vì vậy, trong ngắn hạn, để giảm lượng than tồn kho của TKV, tháo gỡ khó khăn cho ngành than, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét tăng thuế nhập khẩu than từ 0% lên 3% hoặc 5%. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016, các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu khoảng 15,9 triệu tấn than, với tổng giá trị trên 928,8 triệu USD. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, giá than thế giới liên tục tăng nên nhu câu nhập khẩu than đã giảm.