Bộ Tài chính: Chưa tính đến phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Bộ Tài chính cho biết tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung của nhiều nước, nhất là sau khi mức thuế bảo vệ môi trường được điều chỉnh giảm 50% từ ngày ¼, theo báo Vietnamnet.
Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu trong khi đó con số này ở Việt Nam khoảng 23,4 – 24,1% đối với xăng và 12,7% đối với dầu diesel (tính tại kỳ điều hành ngày 13/6/2022).
Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh thuế đối với mặt hàng xăng dầu cũng cần phải được cân nhắc, tính toán cẩn trọng trên nhiều mặt, đảm bảo không làm sai lệch vai trò, chức năng của từng sắc thuế đang thu đối với mặt hàng xăng dầu.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, quy định của luật chỉ thu thuế này với mặt hàng xăng. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật thuế tiêu thụ đặc biệt không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cho rằng xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo số liệu thống kê, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm khoảng 6.503 tỷ đồng.
Bộ Tài chính dự tính nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm bình quân khoảng 110 USD/thùng thì số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ước khoảng 9.614 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dự kiến khoảng 16.117 tỷ đồng.
Trường hợp, giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm bình quân khoảng 120 USD/thùng thì số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ước khoảng 10.488 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.991 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho rằng thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.
Trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cho phù hợp, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội.