Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất tăng ngân sách cho lực lượng Thái Bình Dương, để mắt tới Trung Quốc
Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Thái Bình Dương
Lầu Năm Góc đang đề nghị Quốc hội tăng đáng kể ngân sách cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương. Đây là tín hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cảm thấy cấp bách trước những động thái của Trung Quốc trong khu vực.
Theo trang Politico, cùng với đề xuất ngân sách của ông Biden cho năm tới, Lầu Năm Góc sẽ đệ trình một kế hoạch mới trị giá 15,3 tỷ USD để tài trợ cho các lực lượng Thái Bình Dương. Con số này nhiều hơn gấp đôi so với con số 6,1 tỷ USD mà Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu vào năm ngoái và tăng đáng kể so với mức 11,5 tỷ USD Quốc hội cho phép.
Nguồn tài chính trên sẽ được dùng để mua các hệ thống phòng thủ tên lửa, radar và cảm biến không gian, cũng như tăng cường các cuộc tập trận và huấn luyện.
Theo một đánh giá độc lập, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cần 15,3 tỷ USD trong năm tài chính 2024 và thêm 71,8 tỷ USD nữa được phân bổ trong 4 năm tới.
Bản đánh giá cảnh báo về sự tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại khu vực. Trong những tuần gần đây, nhằm mở rộng ảnh hưởng của Mỹ, Lầu Năm Góc đã kỳt loạt thỏa thuận mới với các đối tác trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tới Manila để công bố một thỏa thuận với Philippines cho phép Mỹ tăng cường tiếp cận các căn cứ ở nước này. Thủy quân lục chiến Mỹ vào tháng 1 đã kích hoạt một căn cứ mới ở đảo Guam.
Theo bản đánh giá, môi trường an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang trở nên nguy hiểm hơn và nguy cơ đối đầu và khủng hoảng ngày càng tăng.
Trả lời phỏng vấn hãng CNN ngày 8/3, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết Trung Quốc không nên ngạc nhiên khi Washington và các đồng minh ở châu Á tăng cường quan hệ quân sự khi Bắc Kinh đã có một số động thái được cho là “hung hăng” đối với nhiều nước láng giềng.
Ông Emanuel đã liệt kê một loạt hành động của Trung Quốc như xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ dọc theo biên giới Himalaya, va chạm giữa các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc và các tàu Philippines ở Biển Đông và một số vụ việc khác.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ nhận định của phía Mỹ đồng thời cáo buộc Washington mới là bên làm căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Kế hoạch chi tiêu cụ thể
Dự kiến, 10,8 tỷ USD, tức là phần lớn nhất của đề chi xuất chi tiêu, sẽ dành cho cho Hệ thống Phòng thủ Guam, thay thế radar của Cục Hàng không Liên bang ở Hawaii, thiết bị theo dõi và cảm biến không gian, tên lửa cũng như các chương trình không gian khác.
Những thiết bị trên sẽ trở thành trụ cột của hệ thống cảm biến và theo dõi trên khắp Thái Bình Dương, đi kèm với một mạng lưới vũ khí tầm xa phóng từ trên không, trên bộ và trên biển, cho phép các chỉ huy nhắm mục tiêu theo thời gian thực.
Xây dựng một hệ thống phòng thủ và radar mới trên đảo Guam cho hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực là ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, 35 triệu USD sẽ được dùng để cải thiện hậu cần, bảo trì và cung ứng nhiên liệu, đạn dược, vật liệu. Ngoài ra, đối với công tác đổi mới, thử nghiệm và đào tạo, 1,1 tỷ USD sẽ được dành cho các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI).
Sáng kiến trên sẽ tài trợ cho một mạng lưới chương trình đào tạo trực tiếp, trực tuyến, các trung tâm mô phỏng và hệ thống hỗ trợ đào tạo di động.
Kế hoạch bao gồm 50 triệu USD để sử dụng một công cụ lập kế hoạch chiến tranh bằng trí tuệ nhân tạo, được gọi là Stormbreaker, với sự kết hợp của các công cụ phân tích học máy (machine learning). Điều này sẽ cho phép Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thay đổi kế hoạch một cách nhanh chóng và kết hợp các thay đổi dựa trên công nghệ mới.
Về cải thiện cơ sở hạ tầng, 2,3 tỷ USD sẽ được dành cho các dịch vụ xây dựng quân sự, kiến trúc và kỹ thuật. Các cơ sở mới bao gồm nhà chứa máy bay, tòa nhà liên lạc vệ tinh và nhà kho.
Về quan hệ đồng minh và đối tác, đề xuất ngân sách dành 696 triệu USD để tài trợ cho các dự án chia sẻ thông tin. Theo đó, một sáng kiến mới được đưa ra nhằm hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương phân tích về biến đổi khí hậu, đánh bắt cá bất hợp pháp và tội phạm xuyên quốc gia.
Về nhân lực, 373 triệu USD sẽ được chi để đáp ứng nhu cầu nhân lực, từ trụ sở đến các lực lượng đặc nhiệm chung.