|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ NN&PTNT: Sẽ sớm có vắc xin cúm A/H5N8

11:32 | 08/07/2021
Chia sẻ
Từ đầu tháng 6, chủng cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện và lây lan tại tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết Bộ đang cho kiểm nghiệm và sẽ sớm có vắc xin cho đàn gia cầm 530 triệu con.

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) vừa có công điện khẩn tới UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8.

Theo Cục Thú y, chủng virus cúm gia cầm thể A/H5N8 xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm (giai đoạn đầu chủ yếu xảy ra ở trên chim hoang dã), sau đó lây lan nhanh ở phạm vi rất rộng và gây ra dịch bệnh trên gia cầm nuôi

Tính đến tháng 6, đã có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ phát hiện chủng virus này. Từ đầu năm đến nay trên thế giới có 2.757 ổ dịch do chủng virus A/H5N8 gây ra, chiếm gần 70% tổng số các ổ dịch cúm gia cầm. 

Trong tháng 2, có 7 người tại Liên bang Nga được xác định nhiễm virus cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ.

Tại Việt Nam, từ đầu tháng 6 đến nay đã phát hiện chủng virus A/H5N8 tại 3 tỉnh gồm Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh. Với đặc điểm có chung đường biên giới dài với các nước trong khu vực.

Trong thời gian tới, nguy cơ dịch cúm A/H5N8 lây lan trên phạm vi rộng rất cao, gây nguy hại cho gia cầm và có thể lây nhiễm ở người.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Trước mắt, Bộ yêu cầu Cục Thú y rà soát tất cả địa bàn có cúm A/H5N8 tiêu huỷ toàn bộ và xử lý các biện pháp an toàn sinh học.

Về dài hơi, Bộ đã cho khảo nghiệm vắc xin cúm A/H5N8 và trong thời gian ngắn nhất sẽ có vắc xin cho đàn gia cầm 530 triệu con".

Cục Thú y khuyến cáo để ngăn chặn virus A/H5N8 và các loạt cúm gia cầm biến thể khác, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh H5N8 và các chủng virus theo quy định Luật Thú y.

Đối với địa phương có ổ dịch H5N8 chưa qua 21 ngày hoặc địa phương phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với virus H5N8, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh cần xử lý tiêu hủy gia cầm, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các địa phương cần tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, sử dụng các loại vắc xin cúm gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao.

Đặc biệt, các địa phương cần kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Hoàng Anh