Cục Thú y: Nguy cơ xâm nhiễm nhiều chủng virus cúm gia cầm A/H5N2, A/H5N8 và A/H7N9 rất cao
Nguy cơ dịch virus H5N6 tiếp tục lây lan
Phát biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc năm 2020, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết tính đến ngày 11/2 cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra.
Số lượng gia cầm buộc phải tiêu hủy là 43.202 con tại 5 tỉnh, thành phố bao gômg Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Song song với đó, cả nước có 9 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 21 ngày.
Ông Đông cho biết hiện nay bệnh cúm gia cầm là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng; các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1-2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vacxin.
Virus cúm H5N6 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014. Hằng năm, chủng virus này vẫn gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm, được phát hiện và kiểm soát kịp thời.
Ông Đông dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khá nhau như hiện nay tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao.
Bên cạnh đó, việc tổ chức tiêm vacxin cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỉ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ.
Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng virus corona (nCoV) gây ra.
Ông Đông cho biết hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên, nguy cơ virus cúm A/H7N9 và một số chủng virus khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là cao.
Hằng năm, với sự hỗ trợ cả về kỹ thuật và kinh phí của Chính phủ Mỹ, Tổ chức FAO và các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã liên tục tổ chức chủ động lấy mẫu giám sát virus cúm gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm sống, tại các địa phương có nguy cơ cao và địa phương giáp biên giới.
Năm 2019, Cục Thú y đã tổ chức lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố với tổng cộng 3.966 mẫu gộp của 19.830 con gia cầm đã được xét nghiệm.
Kết quả, có 1.496 (37,72%) mẫu dương tính với cúm A; 138 (3,48%) mẫu dương tính với virus cúm H5; 47 (1,19%) mẫu dương tính với virus cúm H5N1; 72 (1,82%) mẫu dương tính với virus cúm H5N6 và 3 (0,08%) mẫu dương tính với virus cúm A/H7, nhưng âm tính với virus cúm A/H7N9.
Năm 2019, Cục Thú y đã triển khai giám sát virus cúm A/H7N9 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh Penside PCR tại các chợ buôn bán gia cầm của các tỉnh, thành phố phía Bắc gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Tổng số đã lấy mẫu swab của 14.020 con, tuy nhiên không có mẫu dương tính với virus cúm A/H7N9.
Đà gia cầm tăng mạnh trong năm 2019
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, năm 2019, đàn gia cầm có tốc độ tăng trưởng cao , không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Khi tình hình dịch bệnh ở heo diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm và trứng tăng mạnh do người dân đã chuyển sang sử dụng thịt gia cầm và các loại trứng nhiều hơn. Người chăn nuôi gia cầm cũng yên tâm mở rộng quy mô đàn.
Các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng dây chuyền giết mổ, chế biến, nâng công suất để đáp ứng thị trường trong nước đồng thời đã xuất khẩu thịt gà ra thị trườngquốc tế.
Các thuận lợi trên đã góp phần quan trọng đưa tổng đàn gia cầm và sản lượng thịt gia cầm, sản lượng trứng gia cầm tăng cao so với năm 2018.
Một số địa phương có đàn gia cầm tăng đến 2 con số như Bến Tre tăng gần 40%, Trà Vinh có đàn gà tăng 52%, vịt tăng 41%, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang cũng có đàn gia cầm tăng cao,…
Tổng đàn gia cầm của cả nước tại thời điểm tháng 12/2019 đạt 467 triệu con, tăng 14,2 % so với cùng thời điểm năm 2018.
Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm đạt khoảng 1.278,6 nghìn tấn, tăng 16,5% so với năm 2018.