|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ KH&ĐT: 'Chuyển đổi 1m2 rừng phòng hộ làm đường cũng phải trình Thủ tướng, nhưng muốn nhanh thì phải sửa luật'

14:07 | 21/02/2023
Chia sẻ
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, quá trình phân cấp còn chưa đồng bộ, chưa đồng đều, chuyển đổi 1m2 rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn là phải trình Thủ tướng. Đây là một hạn chế mà Đoàn công tác cũng ý thức được nhưng muốn sửa thì phải sửa Luật.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, liên quan đến một số kiến nghị vướng mắc về trình tự thủ tục vốn đầu tư công, kể cả công tác kế hoạch thực hiện dự án, cần phân biệt hai nhóm.

Với nhóm về công tác kế hoạch hiện nay đã được đổi mới rất nhiều, cải tiến nhiều. So với quy trình "hai lên, ba xuống, 5 quy trình" từ giai đoạn 2016-2020 đến nay rút gọn chỉ còn "một lên hai xuống", rút đi rất nhiều nên không thể nói quy trình kế hoạch vất vả nữa.

Một xuống đầu tiên là sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch hằng năm kèm theo thông báo kiểm tra vốn đầu tư công, sau đó các Bộ ngành xây dựng kế hoạch của mình và chỉ gửi đúng một lần lên, gửi để tổng hợp kế hoạch, sau khi trình sang Quốc hội, Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng chỉ giao một lần xuống.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương. (Ảnh: VGP).

Thứ hai, liên quan đến quy trình dự án: Luật Đầu tư công cộng Luật 03 vừa rồi lại tiếp tục phân cấp một cách triệt để và đến nay về cơ bản đối với các địa phương, các dự án trong nước, từ nhóm A đến nhóm C là thuộc thẩm quyền địa phương, Trung ương không có thẩm quyền trong quy trình này.

Đối với dự án ODA chỉ có còn dự án nhóm A là phải lên Trung ương, còn B, C là phân cấp địa phương. Đối với dự án quan trọng quốc gia thì chúng ta không có nhiều.

Theo Bộ KH&ĐT, quá trình phân cấp còn chưa đồng bộ, chưa đồng đều, nhiều địa phương phải kiến nghị về việc chuyển đổi đổi đất rừng, đất lúa. Theo quy định, chuyển đổi 1m2 rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn là phải trình Thủ tướng. Đây là một hạn chế mà Đoàn công tác cũng ý thức được nhưng muốn sửa thì phải sửa Luật. 

Liên quan đến quy hoạch tổng thể quốc gia, Quốc hội cũng đã phê duyệt nhưng hiện nay 41 hợp phần không thể giải ngân được. Lý do các Bộ ngành không phê duyệt thẩm định kết quả nghiên cứu của các hợp phần làm cơ sở để thanh toán, quyết toán vốn.

"Đề nghị các Bộ liên quan khi làm các hợp phần có các quyết định thẩm định thông qua hợp phần gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia. Mong muốn các Bộ ngành khẩn trương phê duyệt thẩm định kết quả để làm cơ sở thanh toán", Thứ trưởng nói.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, quý

Liên quan đến các kiến nghị của Bộ KH&ĐT và các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp. Trong đó, lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết.

Khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc.

Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công.

Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2023.

Về nguyên vật liệu cho các dự án, thực hiện nghiêm theo các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại.

Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng theo quy định. Nhà thầu, nhà đầu tư phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ đúng quy định, hợp đồng ký kết, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục và làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi triển khai thực hiện dự án. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.

Đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thiện ngay thủ tục thanh toán khi có khối lượng được nghiệm thu, xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.

Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT chia sẻ các thông tin, dữ liệu giải ngân về đầu tư công và thông tin, dữ liệu các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia theo thời gian thực để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

 

Hạ An