|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ KH-ĐT dự báo GDP tăng 3,5-4% năm nay, nếu quý IV có thể chuyển sang 'bình thường mới'

16:08 | 14/09/2021
Chia sẻ
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết cơ quan này đang tính toán lại các kịch bản tăng trưởng, dự báo GDP năm nay có thể tăng 3,5-4% với điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh trong tháng 9, chuyển sang trạng thái bình thường mới từ quý IV.

Nhận định trên được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Hội nghị Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 diễn ra sáng ngày 14/9, Zing đưa tin.

Bộ trưởng cho rằng dự báo thấp hơn mục tiêu 6,5% trong năm nay, nhưng để đạt được mức này là phải sự nỗ lực rất lớn, đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và cả địa phương.

Nếu GDP năm nay đạt 3,5-4% thì trong hai năm liên tiếp, Việt Nam không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng, không đạt được mục tiêu chung của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Năm ngoái GDP tăng trưởng 2,92%.

Theo dự báo, xuất khẩu năm nay của Việt Nam có thể tăng 10%, thu ngân sách vượt dự toán. “Tăng trưởng sẽ thấp nhưng là khá ấn tượng trong bối cảnh thế giới hiện nay”, ông Dũng chia sẻ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo GDP tăng 3,5-4% trong năm nay - Ảnh 1.

Nhiều tỉnh thành miền Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang... đã kiểm soát tốt dịch bệnh, góp phần khôi phục đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Zing).

Nói về năm 2022, Bộ trưởng cho biết đây sẽ là thời điểm có nhiều yếu tố mới, vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Khả năng dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp, khó lường, nhiều nước trên thế giới chấp nhận sống chung với dịch bệnh.

Ngoài ra, ông cũng cho biết một điểm sáng là kinh tế thế giới sẽ dần phục hồi trong năm 2022. Tuy nhiên, đà phục hồi chậm hơn dự báo trước đây và không đồng đều giữa các nước. Nước nào có độ phủ tiêm chủng lớn và nhanh thì có thể mở cửa sớm và có thể phục hồi.

Trật tự thương mại, cơ cấu đầu tư chắc chắn có sự thay đổi và chuyển dịch, kể cả chuỗi sản xuất và cung ứng, tác động đến Việt Nam. “Cần xác định những cơ hội để tận dụng, và hạn chế rủi ro”, ông nhận định.

Theo Báo Chính phủ, cũng tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Vịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ cho biết, mặc dù trong điều kiện còn rất khó khăn, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, song tình hình phát triển kinh tế-xã hội 8 tháng của vùng Đồng bằng sông Hồng và trung du - miền núi Bắc Bộ đã đạt được những kết quả khả quan.

Thu ngân sách nhà nước 8 tháng của hai vùng đạt 406.600 tỷ đồng, chiếm 38,25% số thu cả nước; kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 108,62 tỷ USD, chiếm trên 50% cả nước. Tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đạt 6,9 tỷ USD, chiếm 36,1% cả nước. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 30.360 doanh nghiệp, chiếm 37,2% cả nước.

Một số địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang... đã kiểm soát tốt dịch bệnh, góp phần khôi phục đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng của hai vùng đều cao hơn mức bình quân chung cả nước; trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng nằm ở nhóm cao nhất cả nước như: Hòa Bình 16,1%, Vĩnh Phúc 14,21%, Hải Phòng 13,52%, Sơn La 10,67%, Hà Nam 10,41%, Bắc Giang 10,2%, Lai Châu 10,08%,...

Liên quan đến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ quan này đang dần hoàn thiện đề án phục hồi kinh tế. Đề án xác định cả năm 2022 và 2023 sẽ là giai đoạn phục hồi kinh tế. “Ngay trong tháng 10 chúng tôi sẽ trình các cấp có thẩm quyền thông qua”, ông Dũng cho biết.

Phương Trang