|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp tăng nhập xăng dầu đến tháng 6/2023

08:28 | 05/12/2022
Chia sẻ
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu đến năm 2023, Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy lọc dầu trong nước tăng cường năng lực sản xuất và các doanh nghiệp nhà nước tăng khối lượng nhập khẩu xăng dầu ít nhất đến tháng 6/2023.

Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra hai kịch bản về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Theo đó, kịch bản 1 có tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25,9 triệu m3/tấn xăng dầu; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26,7 triệu m3/tấn.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu đến năm 2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước tăng cường năng lực sản xuất và các doanh nghiệp nhà nước tăng khối lượng nhập khẩu xăng dầu ít nhất đến tháng 6/2023.

Các doanh nghiệp đầu mối cần thực hiện nghiêm túc hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu đã được phân giao từ đầu năm và bổ sung. Đồng thời, tiếp tục rà soát đề xuất cập nhật kịp thời chi phí phát sinh vào công thức tính giá cơ sở để tiếp tục điều chỉnh (nếu có).

Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định, nhất là hành vi đầu cơ, trục lợi hoặc găm hàng chờ tăng giá.

Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho năm 2023. (Ảnh: Hoàng Anh)

Trước đó trong tháng 10, Bộ Công Thương đã họp với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu quý IV.

Bộ Công Thương khẳng định đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp...

Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.

Khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua...

Đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Hoàng Anh