Bộ Công Thương: Vì sao nên sử dụng phương thức 'đăng kí tờ khai trước được xuất trước' thay vì 'đấu thầu hạn ngạch' trong xuất khẩu gạo?
Vì sao nên dùng phương thức 'đăng kí tờ khai trước được xuất trước'?
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo ngày 20/4, Bộ Công Thương đã phân tích rõ ưu và nhược điểm của phương pháp "đăng kí tờ khai trước được xuất trước" (FCFS) đang được áp dụng trong xuất khẩu gạo thời gian hiện tại.
Theo Bộ Công Thương, tất cả các phương thức điều hành hạn ngạch đều có mặt thuận và mặt không thuận. Trong bối cảnh phải áp dụng hạn ngạch để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án điều hành hạn ngạch mà theo Bộ Công Thương là tương đối công bằng, có tính công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, khó phát sinh các rủi ro về đạo đức cũng như tham nhũng, lợi ích nhóm v..v.
Các nguyên tắc này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và chỉ đạo rất rõ tại khoản 3 văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công Thương khẳng định phương thức FCFS, nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các Bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó bổ sung thêm một số giải pháp kĩ thuật đơn giản như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ.
Các doanh nghiệp đã có hàng tại cảng chắc chắn sẽ ở vị thế ưu tiên số 1 bởi họ đều đã rõ tên tàu và số hiệu container và chỉ có họ mới có thể hiện thực hóa tờ khai mà không cần phải thay đổi các thông tin này.
Phương thức FCFS, như mọi phương thức điều hành hạn ngạch khác, có cả điểm mạnh và điểm yếu. Tuy nhiên, đây là phương thức được nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị áp dụng nếu buộc phải áp dụng hạn ngạch.
Trên thực tế, trong suốt 2 tuần sau khi phương án được công bố, Bộ Công Thương không nhận được ý kiến trái chiều nào về phương thức FCFS (kể cả từ Bộ Tài Chính hay Tổng cục Hải quan). Ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là phương thức tương đối phù hợp bởi khả năng giải tỏa cho các doanh nghiệp đã có sẵn hàng tại cảng là rất cao.
Rất tiếc là sau đó, việc triển khai cơ chế FCFS trên thực tế đã để xảy ra một số sự việc mà theo nhận xét của các doanh nghiệp là thiếu phối hợp, thiếu công khai, thiếu minh bạch, gây thêm khó khăn dẫn đến những bức xúc không đáng có, không phải do lỗi tự thân của cơ chế FCFS.
Đầu thầu hạn ngạch gây rủi ro về đạo đức
Trong văn bản, Bộ Công Thương cũng cho biết phía Bộ Tài chính cho rằng phương thức điều hành "đăng kí tờ khai trước được xuất trước" là bất cập và đề nghị thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch.
Đấu thầu hạn ngạch trên thực tế là bán hạn ngạch để thu tiền vào Ngân sách Nhà nước. Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ đang phải tìm mọi cách để hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đưa hạn ngạch gạo ra bán để thu tiền là việc không nên làm.
Việc đấu thầu hạn ngạch cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15-20 ngày để xây dựng qui chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Như vậy là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải "giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo".
Hơn nữa, đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. Không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng "nhận ủy thác" để ăn chênh lệch như đã từng xảy ra trước đây.
Cùng với đó, việc phân bổ hạn ngạch cũng không khả thi bởi kinh nghiệm điều hành cho thấy sẽ mất hàng tháng để xây dựng tiêu chí phân bổ sao cho "công bằng" và xin ý kiến các bên liên quan để thống nhất thực thi. Nếu có ý kiến khác nhau phải trình lại Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo. Tiến trình này sẽ thiết lập trở lại cơ chế xin - cho rất nhiều rủi ro đạo đức đã được xóa bỏ theo kiến nghị kiên trì nhiều năm của cộng đồng doanh nghiệp.
"Nói tóm lại, cơ chế điều hành FCFS, nếu được triển khai một cách có phối hợp, công khai, minh bạch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì dù vẫn có điểm yếu như tất cả các phương thức điều hành khác, vẫn tốt hơn so với các cơ chế mà Bộ Tài chính đề xuất", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Việc cấm các doanh nghiệp huỷ bán gạo dự trữ quốc gia tham gia xuất khẩu gạo là không có cơ sở pháp lí
Nhận định về vấn đề việc một số doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia nhưng không tới kí hợp đồng, Bộ Công Thương cho rằng, những doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm bằng cách mất tiền bảo đảm dự thầu (1%-3% giá trị gói thầu) cho Bộ Tài chính.
Khi đối chiếu ới các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về giao dịch dân sự, doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ của mình.
"Đề xuất cấm các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu là đề xuất không có cơ sở pháp lý. Xã hội có thể phê phán các doanh nghiệp này về mặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội nhưng cơ quan nhà nước, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên đề xuất các biện pháp không có cơ sở pháp lí như vậy", Bộ Công Thương cho biết.
Nói thêm về vấn đề cơ sở đề xuất xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cho biết căn cứ đưa ra phương án xuất khẩu gạo tháng 4 và tháng 5 được đề xuất trên cơ sở từ số liệu của Bộ NN&PTNT.
Mặc dù khối lượng để lại trong nước đã tính cả lượng dành cho dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương vẫn đề xuất và được các Bộ, ngành đồng ý về việc để lại thêm 300.000 tấn từ số lượng xuất khẩu để giúp Bộ Tài chính thực hiện kế hoạch mua dự trữ lương thực năm 2020. Nếu vẫn không mua được thì Bộ Tài chính cần có sự đánh giá lại để làm rõ hơn vì sao lại không thể thực hiện được chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Công Thương cho rằng cần thay đổi chính sách chỉ mua IR50404 (loại gạo phẩm cấp thấp nhất) để dự trữ do tỉ lệ loại gạo này ngày càng giảm, đến thời điểm nào đó sẽ không thể mua đủ, cần mua thêm các loại gạo tẻ khác.