Bộ Công Thương: Tình trạng thiếu xăng ở các cửa hàng chỉ là cục bộ, tổng nguồn cung cả nước vẫn đủ
Vừa qua, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Đắk Lắk, Hải Dương, Bắc Giang…treo biến “hết hàng”.
Thông tin đến người viết, chị Nguyễn Thị Thanh (trú tại Phạm Văn Đồng, Hà Nội) cho biết sáng nay (27/5) khi tấp vào trạm xăng trên đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khá ngạc nhiên khi nhân viên bán xăng cho biết chỉ được mua tối đa 30.000 đồng.
"Khách hàng ùn ùn xếp hàng chờ mua xăng trong khi 3-4 nhân viên túc trực bán xăng đều nhắc đi nhắc lại rằng, mỗi người chỉ được mua tối đa 30.000 đồng", chị Thanh cho biết.
Trao đổi với người viết, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định tổng nguồn cung không hề thiếu, tình trạng một số cửa hàng treo biển hết hàng chỉ là cục bộ và diễn ra trong thời gian ngắn.
“Vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các nhà máy lọc dầu quốc tế và hai nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn giảm công suất. Đồng thời họ tranh thủ thời gian này để bảo dưỡng. Điều này dẫn đến nguồn cung tương đối giảm so với trước.
Ngoài ra sau khi gỡ bỏ giãn cách xã hội, nhu cầu tăng lên và tâm lí mua gom trước diễn biến giá xăng dầu có thể tăng mạnh trở lại dẫn thiếu hụt cục bộ. Tuy nhiên, tổng nguồn cung trên cả nước vẫn không thiếu”, ông Đông khẳng định.
Để giải quyết tình trạng này, ông Đông cho biết Vụ Thị trường Trong nước đã yêu cầu các thương nhân đầu mối đảm bảo phân phối hàng. Đồng thời, Vụ cũng đã điều tiết hàng từ chỗ thừa sang chỗ thiếu.
“Một số cửa hàng chỉ thiếu xăng trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, sau khi Vụ Thị trường Trong nước xử lí, nguồn cung của các cửa hàng này đã được đảm bảo trở lại.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các Sở Công Thương và lực lượng quản lí thị trường xử lí nghiêm các thương nhân phân phối có hiện tượng găm hàng không bán hoặc cửa hàng xăng dầu có hàng nhưng lại treo biển hết hàng không bán để chờ đợt tăng giá sắp tới”, ông Đông cho biết.
Trước đó, ngày 22/5, Vụ Thị trường Trong nước cũng đã gửi văn bản hỏa tốc tới Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đề nghị tăng công suất, sớm hoàn thành bảo dưỡng để cung cấp đủ lượng hàng theo hợp đồng đã kí kết với các doanh nghiệp.
Đồng thời, có phương án về nguồn hàng để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa trong thời gian tới.