Nhiều cây xăng đồng loạt gặp 'sự cố'
Hôm qua, ngày 25/5, anh Hồng Khang (27 tuổi, Hà Nội) ghé vào một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội để đổ xăng. Anh tính mua 500.000 đồng xăng RON 95 đổ đầy bình chiếc Hyundai Kona.
Tuy nhiên, nhân viên bán hàng thông tin cây đang hết xăng RON 95 do “xe xăng bị công an bắt”, đề nghị anh Khang mua xăng E5 RON 92 thay thế.
Đến ngày 26/5, đại diện cơ sở kinh doanh này cho biết vẫn chưa có xăng RON 95 để bán, đang đợi nhà cung cấp đưa về. Chắc chiều tối hoặc vài ngày nữa mới có.
Trong khi đó, anh Dũng chạy chiếc Ford 5 chỗ ghé vào một cây xăng ở Cầu Giấy, nhưng nhân viên ở đây thông báo chỉ được đổ tối đa 200.000 đồng, vì lý do "không nhập được hàng, sợ hết xăng".
Trưa 26/5, một cây xăng khác thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội căng dây vòng quanh khu vực bán hàng, không ai có thể ra vào. Cửa hàng này tạm ngừng bán xăng nhưng không treo biển thông báo.
Người bán nói với Zing cửa hàng đang mất pha điện nên không bơm xăng lên được. Cụ thể, cây xăng sử dụng điện 3 pha, hiện tại mất 1 pha mà gọi thợ sửa chưa đến.
Nhân viên bán hàng hẹn chiều mở bán trở lại và chỉ đường đến cây xăng trên phố Lương Thế Vinh đổ tạm.
“Tôi không biết họ có bán không, nếu cây đấy không có thì qua gần Bệnh viện Xây Dựng”, người này nói.
Ông B, chủ một cơ sở kinh doanh xăng dầu tại huyện Đan Phượng, Hà Nội thì khẳng định cửa hàng ông đổ xăng cho xe máy, ôtô, chứ không bán cho người đem can mua mang về. Bể chứa nhà ông B. hiện chỉ còn khoảng hơn 10 m3 xăng (10.000 lít), trong khi thể tích chứa lên tới 75 m3.
Ông B. cho biết nhu cầu sử dụng xăng dầu sau giãn cách xã hội tăng cao, nhưng hiện tại không thể nhập thêm xăng từ đầu mối, dù sẵn sàng không nhận chiết khấu. Nếu bán hết lượng xăng đang có, buộc cửa hàng này phải đóng cửa tạm thời.
Hơn nữa, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu lại đang cận kề (ngày 28/5, chuyên gia dự đoán giá xăng có thể tăng hơn 1.000 đồng/lít), nếu đại lý không còn hàng để bán sẽ gặp nhiều bất lợi.
Trước đó, các nhà phân phối bán lẻ cắt giảm lượng bán ra cho đại lý, đồng thời giảm chiết khấu từ 1.000-1.200 đồng/lít xuống dưới 300 đồng/lít. Tức là sau khi trừ tất cả chi phí, đại lý xăng dầu phải chịu lỗ với mỗi lít xăng bán ra.
Lý giải về việc hạ mức chiết khấu, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP.HCM cho biết giá xăng thành phẩm nhập khẩu tăng, còn trong nước chưa đến kỳ điều chỉnh giá.
Cũng do lỗ lớn, hiện một số doanh nghiệp đầu mối phải tạm ngừng nhập khẩu. Vị chuyên gia cho rằng có trường hợp nhà phân phối còn xăng cũ, nhưng chờ giá tăng mới bán để bù lỗ lúc xăng giảm giá.
“Đến khi khan hàng, đầu mối bán theo lượng mua trung bình của cây xăng. Do đó, những cây xăng phải đóng cửa nhiều khả năng chỉ nhập của đầu mối một phần, nhập trôi nổi phần nhiều”, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu này nhận định.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đã có nhiều văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cung cấp đủ hàng. Ngoài ra, 2 nhà máy lọc dầu là Bình Sơn và Nghi Sơn cũng được yêu cầu cung ứng đủ hàng ra thị trường.
Ông nhấn mạnh ở khu vực nào có phản ánh thiếu hàng, Vụ Thị trường trong nước trực tiếp can thiệp và điều hàng để đảm bảo cung ứng.