Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân giá xăng tăng cao khi giá dầu thế giới hạ nhiệt
Nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc tại sao giá thế giới hạ nhiệt, nhưng giá xăng trong nước tăng kỷ lục.
Trong 10 ngày qua, bình quân giá dầu thô trên thị trường thế giới ở dưới 110 USD một thùng, có thời điểm giảm về dưới 100 USD/thùng.
Còn thời điểm tháng 3, giá gần sát ngưỡng 120 USD/thùng, có thời điểm Brent đạt 139,13 USD/thùng và WTI đạt 130,50 USD/thùng, nhưng giá bán lẻ thời điểm đó vẫn thấp hơn hiện nay 160 đồng/lít (RON 95).
Liên Bộ Công thương – Tài chính lý giải, thực tế, giá bán lẻ xăng dầu trong nước dựa trên giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore (giá Platt), không tính theo giá dầu thô như Brent hay WTI.
Bởi, để có sản phẩm là xăng dầu thành phẩm, dầu thô cần trải qua quá trình lọc. Mỗi thùng dầu thô có dung tích gần 159 lít, sau qua quá trình lọc hoá sẽ cho khoảng 76 lít xăng, còn lại là các sản phẩm dầu diesel, dầu hỏa, mazut....Tức là, sản lượng xăng chỉ tương đương 50% lượng dầu thô ban đầu.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/5/2022 và kỳ điều hành ngày 4/5/2022 là 136,968 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 141,098 USD/thùng xăng RON 95.
Trong khi, mức giá này tại kỳ điều hành ngày 11/3 (thời điểm giá dầu thô lập đỉnh) là 132,251 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 135,750 USD/thùng xăng RON95.
Như vậy, dù giá thô giảm hơn nhiều so với thời điểm đỉnh tháng 3, nhưng giá xăng dầu thành phẩm cao hơn chính là nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước tăng nóng.
Liên Bộ Công Thương – Tài chính cho biết, nếu không được giảm thuế bảo vệ môi trường (2.000 đồng mỗi lít với xăng RON 95; E5 RON 92 là 1.900 đồng và các mặt hàng dầu từ 700-1.000 đồng mỗi lít) thì giá bán lẻ xăng có thể tăng từ 3.300-3.500 đồng/lít. Tức là, giá xăng RON 95 sẽ lên hơn 32.000 đồng/lít, còn E5 RON 92 gần 31.000 đồng/lít.
Một điểm nữa khiến giá xăng lần này lập đỉnh là do liên Bộ trích lập Quỹ BOG, nhưng không chi Quỹ. Còn kỳ điều hành tháng 3 lại không trích lập Quỹ BOG và tăng mạnh mức chi Quỹ BOG.
"Sử dụng công cụ Quỹ BOG linh hoạt, hợp lý nhằm vừa hạn chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước vừa bảo đảm duy trì Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong giai đoạn tới trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, khó lường", Bộ Công Thương cho hay.