|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương giải thích lí do đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo

10:59 | 25/03/2020
Chia sẻ
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng số liệu sản lượng gạo mà cơ quan này nhận được có độ vênh nhất định so với thực tế. Đó là lí do Bộ đề xuất xin tiếp tục được xuất khẩu.

Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trả lời báo chí về lý do mà Bộ xin Thủ tướng cho tiếp tục xuất khẩu gạo. Trước đó, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho tạm dừng xuất khẩu gạo, nhưng ngay trong ngày việc dừng xuất khẩu gạo có hiệu lực, cơ quan này lại có văn bản hỏa tốc xin được tiếp tục xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Khánh, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu nhu yếu phẩm, nhất là gạo, tăng cao trên thế giới. Một số nước đã tăng dự trữ gạo.

Trong khi đó, giá cả lúa gạo đã biến động mạnh trong nước. Qua theo dõi, Bộ cho biết sản lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm là 930.000 tấn, tăng rất cao so với cùng kỳ năm ngoái.

“Giá cả trong nước biến động tăng 20-25% so với trước đó. Đứng trước tình hình này nếu như xuất khẩu gạo, an ninh lương thực trong tháng 3 có thể đối mặt rủi ro”, ông Khánh chia sẻ.

Ông Khánh cho biết Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng một số biện pháp, phương án để đảm bảo an ninh lương thực, trong đó có phương án tạm hoãn việc xuất khẩu gạo. Sau khi cân nhắc, Thủ tướng đã kết luận hoãn xuất khẩu gạo đến cuối tháng 5.

Bộ Công Thương giải thích lí do đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. Ảnh: Hiếu Công.

Ông Khánh nhấn mạnh tạm hoãn xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Ông Khánh cũng nói đây là tạm giãn chứ không phải dừng xuất khẩu.

Doanh nghiệp có thể phải dời lịch giao hàng muộn hơn. Bộ cũng tính đến cả phương án làm việc với ngân hàng, các cơ quan chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

“Doanh nghiệp chắc chắn bị ảnh hưởng, nhưng mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an ninh lương thực cho người dân”, ông Khánh nói.

Nói về lý do lại tiếp tục xin xuất khẩu, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết đã nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó có độ vênh về số liệu.

Theo đó, số liệu gạo sản xuất, dự trữ và xuất khẩu mà Bộ Công Thương nắm được đã có độ vênh nhất định so với thực tế, đặc biệt là sản lượng tại đồng bằng sông Cửu Long và lượng tồn kho trong dân.

Ông Khánh lưu ý độ vênh về số liệu là “dễ hiểu” khi hiện tại Chính phủ đã tự do hóa thị trường xuất khẩu gạo. Chính phủ không yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký số lượng gạo sản xuất, tồn kho và xuất khẩu như trước đây nữa.

Bộ Công Thương chỉ quyết định dựa trên số liệu từ các bộ ngành khác. Số liệu sản xuất chung thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng số liệu xuất khẩu thì Tổng cục Hải quan lại nắm.

“Chúng tôi đã báo cáo để Thủ tướng quyết định”, ông Khánh chia sẻ.

Trước đó, tại cuộc họp của thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lượng thực trong dịch Covid-19 ngày 23/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo.

Một lý do khác được đưa ra là góp phần ổn định giá gạo trong nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý và yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn việc tạm dừng xuất khẩu gạo.

Sau đó, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3, đồng thời giải quyết thủ tục thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm trên.

Tổng cục Hải quan đưa mặt hàng gạo vào diện cấm xuất khẩu.

Tuy nhiên, chiều 24/3, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo.

Bộ này nêu lý do sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp, Bộ Công Thương nhận thấy cần có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ đông - xuân, các hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục mở tờ khai hải quan, cho xuất khẩu gạo bình thường.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hiếu Công

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.