|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu

06:54 | 29/03/2024
Chia sẻ
Các doanh nghiệp đầu mối có thể được tự quyết giá bán xăng dầu, Nhà nước chỉ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, theo đề xuất của Bộ Công Thương.

Đề xuất được Bộ Công Thương nêu tại tờ trình Chính phủ dự thảo nghị định mới, thay thế các nghị định trước đây về kinh doanh xăng dầu.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Tức là, mức giá điều hành do Nhà nước công bố giống như giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ trong hệ thống. Ví dụ, kỳ điều hành ngày 28/3, Nhà nước công bố RON 95 -III là 24.816 đồng một lít, thì doanh nghiệp bán ra không được cao hơn mức này.

Tuy nhiên, ở lần xây dựng nghị định mới, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước không điều hành giá xăng dầu, mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế, phí). Dựa trên dữ liệu này, các doanh nghiệp đầu mối sẽ tự đưa ra giá bán tối đa. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này.

"Quy định này nhằm giảm sự can thiệp của Nhà nước vào quyết định giá bán của doanh nghiệp", Bộ Công Thương nêu.

Cơ quan này cho rằng, để doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán sẽ giúp họ cạnh tranh về chi phí, loại bỏ việc áp dụng giá xăng dầu chia hai vùng tại đô thị, nông thôn hiện nay.

Trường hợp tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh phù hợp thực tế. Việc điều chỉnh thực hiện theo kỳ 15 ngày một lần.

Trước đó, đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu từng được giới chuyên gia nêu đầu năm 2023, khi góp ý sửa một số điều Nghị định 95 và 83 kinh doanh xăng dầu.

Nhân viên cây xăng trên đường Phan Xích Long (TP HCM) chuẩn bị điều chỉnh giá xăng dầu, tháng 11/2023. Ảnh: Thành Lộc

Liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo Bộ Công Thương, có ý kiến cho rằng việc trích lập, sử dụng quỹ này chưa phù hợp với Luật Giá. Do vậy, họ đề xuất xây dựng cơ chế mới thay thế quy định hiện hành, để doanh nghiệp có thể dự báo và công bố giá theo quy định.

"Nghị định mới sẽ quy định cụ thể trường hợp trích, chi sử dụng quỹ", Bộ Công Thương cho biết.

Hệ thống phân phối xăng dầu hiện tồn tại các loại hình, gồm thương nhân đầu mối, phân phối và đại lý bán lẻ, nhượng quyền. Theo Bộ Công Thương, số lượng thương nhân phân phối xăng dầu tăng nhanh thời gian qua tạo thêm nguồn hàng cho doanh nghiệp bán lẻ, đa dạng hệ thống, nhưng cũng phát sinh bất cập.

Chẳng hạn, quy định cho phép thương nhân phân phối mua hàng của nhau đã gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung. Thực tế, tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu năm 2022 cho thấy, nhiều đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu mua bán lòng vòng xăng dầu, khiến nguồn cung bị rối loạn.

Vì thế, ở lần sửa này Bộ Công Thương dự tính siết lại quản lý hệ thống phân phối xăng dầu. Trong đó, thương nhân phân phối có thể chỉ được mua xăng dầu tư đầu mối, không được mua bán lẫn nhau.

Với doanh nghiệp bán lẻ, dự thảo mới đề xuất 3 hình thức, gồm đại lý bán lẻ xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối; nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc mua xăng dầu từ đầu mối, thương nhân phân phối để bán lẻ tại cửa hàng.

Bộ Công Thương cũng tính siết quản lý với doanh nghiệp đầu mối. Ví dụ, họ sẽ phải đảm bảo tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3/tấn một năm. Quy định này nhằm siết lại việc nhiều thương nhân đầu mối được cấp giấy phép, nhưng không thực hiện hoặc được ưu ái không phải thực hiện phân giao hạn mức nhập khẩu.

Các đầu mối sẽ phải kết nối dữ liệu kinh doanh, kho xăng dầu khi thuê kho với Bộ Công Thương. Dự kiến, họ có 24 tháng chuẩn bị, thực hiện việc này sau khi nghị định mới có hiệu lực.

Phương Dung