|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Bộ Công Thương đề nghị không đưa tin trái chiều về giá điện là phản cảm'

18:24 | 21/05/2019
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội cho rằng Bộ Công Thương "không cầu thị" vì người dân, báo chí có quyền phản ánh tiền điện tăng đột biến.

Trong báo cáo giải trình việc tăng giá điện, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ đạo báo chí không đưa tin trái chiều và có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.

Chia sẻ với VnExpress bên hành lang Quốc hội ngày 21/5, các đại biểu Quốc hội cho rằng, kiến nghị trên là không hợp lý. Người dân có quyền nêu, phản ánh ý kiến những vấn đề xuất phát từ thực tế xã hội, tác động trực tiếp tới họ.

Bộ Công Thương đề nghị không đưa tin trái chiều về giá điện là phản cảm - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Hoà - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quang Phúc

Ông Phạm Văn Hoà - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật, Phó đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, kiến nghị trên là "không hay, gây phản cảm". "Lộ trình, quy định tăng giá được Chính phủ cho phép nhưng khi thấy tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba thì người dân có quyền phản ánh", ông Hoà nói.

Trước bức xúc của dư luận về tăng giá điện, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật cho rằng, Bộ Công Thương với trách nhiệm quản lý ngành cần xem xét lại và giải thích hợp lý để nhận sự đồng thuận từ dư luận.

"Tôi cho rằng kiến nghị như vậy là không đúng. Nếu yêu cầu xử lý phản ánh của người dân về giá điện thì chứng tỏ Bộ Công Thương không cầu thị", ông Hoà nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, đại biểu TP Hà Nội cho rằng, bất kỳ ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, nhất là khi chính sách đưa ra tác động trực tiếp tới số đông. "Nếu cho rằng người dân phản ánh vấn đề là xuyên tạc và muốn truy cứu thì không hợp lý", ông Tuấn nói.

Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, ông Tuấn nhận được nhiều phản ánh về chuyện tăng giá điện. Điểm bất cập hiện nay, theo đại biểu TP Hà Nội, là giá điện chia 6 bậc thang và định mức tính bậc 1 (0-50 kWh) khá thấp, không còn phù hợp với mức sinh hoạt đang tăng của đa số người dân. Ông góp ý, nên nới định mức bậc 1 lên gấp đôi, 100 kWh, để phản ánh đúng nhu cầu tiêu dùng điện của người dân.

"Chính phủ, Bộ Công Thương cần có báo cáo chi tiết, phân tích tác động đầy đủ hơn với từng đối tượng. Điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại", ông Tuấn nói.

Cho rằng "giá điện không phải riêng ai mà cả xã hội, dư luận đang thắc mắc", ông Nguyễn Bá Sơn - Phó đoàn đại biểu TP Đà Nẵng nêu, giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36%, nhưng hoá đơn tiền điện thực tế lại tăng gấp đôi, gấp ba. "Cái gì chưa phù hợp thì cần lắng nghe, nghiên cứu sửa đổi", ông Sơn nói.

Sau khi giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36% từ 20/3, nhiều hộ gia đình phản ánh hoá đơn tiền điện tăng cao đột biến, gấp đôi, ba lần. Báo cáo trước Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ cho biết, các cơ quan chức năng đang "thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật". Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần có báo cáo cặn kẽ, giải thích đầy đủ về đợt tăng giá điện và tác động tới đời sống người dân, xã hội.

Nguyễn Hoài