Bộ Công Thương cảnh báo thiếu hụt nguồn cung điện từ 2020
Thực trạng thiếu hụt nguồn điện không còn là điều quá xa vời mà có thể xảy ra ngay từ năm 2020
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng điện sản xuất uớc đạt 117,38 tỉ kWh, tăng 10,6% so với cùng kì năm 2018.
Sản lượng điện thương phẩm uớc đạt hơn 100 tỉ kWh, tăng 10%. Tổn thất điện năng uớc thực hiện gần 6,6%, giảm 0,17% so với 6 tháng đầu năm 2018.
Ngoài ra, EVN đã khởi công 72 công trình và hoàn thành 57 công trình lưới điện 110 - 500 kV.
Cũng trong thời gian này, cả nước đã đưa vào vận hành gần 4.400 MW điện mặt trời, nâng tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trong toàn hệ thống lên 5.038 MW, chiếm tỉ trọng 9,5% tổng công suất nguồn.
Số lượng khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái là hơn 8.200 với tổng công suất 173.126 kWp.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2019, hệ thống điện hầu như không còn dự phòng về nguồn điện trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng cao, thời tiết khắc nghiệt với nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng, tình hình cung cấp than cho sản xuất điện khó khăn, nước về các hồ thủy điện rất kém,...
Cụ thể, công suất lớn nhất toàn hệ thống đạt gần 38.220 MW, tăng trên 4.000 MW (tương ứng tăng trưởng gần 12%) so cùng kì 2018. EVN đã phải huy động 732 triệu kWh nhiệt điện dầu.
Còn theo báo cáo gần đây của Bộ Công Thương, giai đoạn 2018 - 2022, hệ thống điện có khoảng 17.000 MW công suất không vào được theo dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Hệ thống điện cần phải huy động sản lượng khoảng 5,2 tỉ kWh từ nhiệt điện dầu vào năm 2020.
Đáng nói, trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí), Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.
Thời gian | Mức thiếu hụt điện |
---|---|
Năm 2021 | 3,7 tỉ kWh |
Năm 2022 | 10 tỉ kWh |
Năm 2023 | 12 tỉ kWh |
Năm 2024 | 7 tỉ kWh |
Năm 2025 | 3,5 tỉ kWh |
Dự kiến mức thiếu hụt điện giai đoạn 2021-2025. Nguồn: evn.com.vn.
Đặc biệt, phần lớn các dự án nguồn do các nhà đầu tư bên ngoài EVN thực hiện đều chậm tiến độ.
Cụ thể, trong số 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW giai đoạn 2016 - 2030, có tới 47 dự án chậm tiến độ từ 9 tháng đến 1 năm hoặc chưa xác định được tiến độ.
Trong khi nhiều dự án nguồn chậm tiến độ, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện trong giai đoạn tới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tình hình cung cấp than cho các nhà máy điện chưa đáp ứng được yêu cầu cả về khối lượng, chất lượng và chủng loại than.
Ngoài ra, tiến độ xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi) với mục đích tăng cường khả năng truyền tải điện Bắc - Nam cũng bị chậm tiến độ gần 1 năm.
Theo Bộ Công thương, nếu không thể hoàn thành đường dây này vào đầu năm 2020, việc đảm bảo điện cho miền Nam sẽ gặp khó khăn hơn nhiều.