|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bỏ cách tính tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô, Bộ Tài chính lo ngại khoảng trống pháp lý

07:33 | 20/09/2022
Chia sẻ
Theo Bộ Tài chính, nếu bãi bỏ việc tính tỷ lệ nội địa hoá vào ngày 1/10 sẽ dẫn đến khoảng trống pháp lý do quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu tại các văn bản khác cũng bị bãi bỏ theo.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) liên quan đến quy định về việc bãi bỏ quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô từ ngày 1/10/2022.

Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho rằng, việc bỏ phương pháp tính tỷ lệ nội địa hoá sẽ dẫn đến khoảng trống pháp lý đó là quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu tại các văn bản khác cũng bị bãi bỏ theo.

"Trong khi đây là một trong các điều kiện đang được quy định tại các Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và các Nghị định này vẫn đang có hiệu lực áp dụng", Bộ Tài chính lý giải.  

Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc bỏ quy định về tỷ lệ nội địa hoá với ô tô có thể dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu linh kiện ô tô đồng bộ nhưng có mức độ rời rạc thấp, không khuyến khích đầu tư dây chuyền, thiết bị để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong nước.

Đồng thời sẽ phát sinh vướng mắc cho quá trình thực hiện vì quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện cũng đang được quy định tại các nghị định của Chính phủ liên quan đến biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để làm cơ sở tính thuế và các nghị định này vẫn đang có hiệu lực.

Bộ Tài chính cũng đưa ra hai phương án: Một là, Bộ KH&CN sẽ lùi thời hạn có hiệu lực của Thông tư 11 đến sau ngày Nghị định mới của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành (Bộ Tài chính đang xây dựng để trình vào tháng 10/2022).

Hai là, lùi thời hạn có hiệu lực việc bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu đang được quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BKHCN đến sau ngày Nghị định của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành. 

Mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu là căn cứ để thực hiện chính sách thuế đối với bộ linh kiện CKD

Quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu đang là căn cứ để thực hiện chính sách thuế đối với bộ linh kiện CKD. Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô, pháp luật thuế xuất nhập khẩu quy định bộ linh kiện CKD của xe ô tô nhập khẩu được phân loại theo xe nguyên chiếc hay từng linh kiện, phụ tùng căn cứ theo mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu do Bộ KHCN quy định. Quy định này đã được áp dụng từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay.

Phương pháp tính cũ liệu đã lạc hậu?

Theo một số chuyên gia, thế giới hiện nay xác định hàm lượng sản xuất tại một quốc gia hay khu vực đều theo phương pháp tính giá trị. Mặc dù hiện nay ngành ô tô Việt Nam đang nhập khẩu về là chính, nhưng sắp tới cũng sẽ có nhiều linh phụ kiện ô tô xuất khẩu. Khi đó doanh nghiệp Việt Nam cũng phải xác định hàm lượng sản xuất tại Việt Nam thì mới được hưởng ưu đãi thuế ở các thị trường đến. 

Trên thực tế, công nghệ sản xuất ô tô đã thay đổi rất nhiều so với giai đoạn trước, từ động cơ xăng sang động cơ điện, động cơ hybrid. Do đó, đã có những thay đổi lớn trong cấu thành xe ô tô so với quan niệm tính tỷ lệ nội địa hoá theo mảng, bộ linh kiện CKD, IKD.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chiến lược phát triển ngành ô tô được đưa ra nhưng phải thừa nhận là chưa thúc đẩy được ngành công nghiệp ô tô trong nước, so với Thái Lan hay Indonesia, tỷ lệ nội địa hoá của ô tô Việt Nam vẫn ở mức rất thấp.

Trong tình hình hiện nay, khi khoa học công nghệ đã được nâng cao, Bộ KH&CN đã thay đổi cách tính tỷ lệ nội địa hoá theo cách tính chặt chẽ hơn so với phương pháp cũ còn Bộ Tài chính lo ngại việc thất thu ngân sách.

Chuyên gia cho rằng, để thống nhất trong vấn đề này cần dựa trên các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Trả lời Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quang Bảo, Tổng giám đốc Thaco Auto, cho hay Thái Lan đã bãi bỏ quy định nội địa hóa từ năm 1997, sau khi gia nhập WTO (1995) và từ đó đã thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ vào công nghiệp phụ trợ, tạo đà cho sự bứt phá của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan, vươn lên dẫn đầu khu vực ASEAN.

Ô tô hoàn chỉnh được sản xuất, lắp ráp từ hơn 30.000 chi tiết. Tàu hỏa, tàu thủy, tivi, tủ lạnh hay các máy móc thiết bị khác cũng được lắp ráp từ rất nhiều chi tiết, nhưng lại chỉ có duy nhất ô tô được cơ quan chức năng quy định mức độ rời rạc để quản lý khi nhập khẩu về Việt Nam.

Nếu Việt Nam vẫn giữ những quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn của ngành ô tô thế giới thì sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô trên thế giới đang trong quá trình chuyển giao từ động cơ xăng, dầu sang chạy bằng điện. Các doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư trang thiết bị, dây chuyền, công nghệ để chuyển mình theo sự thay đổi đó.

“Thaco Auto nhận thấy việc bỏ quy định mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu - điều kiện bắt buộc để hưởng Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất lắp ráp xe ô tô, không làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ngược lại, sẽ giúp gia tăng sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước, phát triển được công nghiệp hỗ trợ, qua đó gián tiếp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, tương tự chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước vừa qua”, ông Nguyễn Quang Bảo nhận xét.

Nguyễn Thắm

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.