|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Việt Nam tăng cường nhập khẩu từ Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống 2020

15:16 | 25/09/2019
Chia sẻ
Theo hãng tin Bloomberg, Việt Nam gần đây đã có nhiều động thái nhằm giảm chênh lệch thương mại với Mỹ, trong đó có dự định nhập khẩu hàng tỉ USD khí tự nhiên hóa lỏng cho một dự án tại tỉnh Bình Thuận.

Dự án Nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG) Bình Thuận có vốn đầu tư hơn 5 tỉ USD dự kiến được đặt tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành vào năm 2023 - 2025, nhà máy sẽ có thể cung cấp 3.200 MW điện. Nguồn nguyên liệu LNG phục vụ sản xuất được nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ.

Theo Bloomberg, hoạt động tăng cường nhập khẩu từ Mỹ hiện đang được sự ủng hộ của nhiều lãnh đạo cấp cao nhằm giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ.

Ông John Rockkeep, kĩ sư có 28 năm kinh nghiệm về giám sát các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, cho biết: "Tôi chưa từng thấy Chính phủ Việt Nam hành động nhanh như thế này bao giờ". 

Ông là Giám đốc của Energy Capital Vietnam (ECV) - đơn vị dẫn đầu nhóm doanh nghiệp phát triển dự án khí hóa lỏng tại tỉnh Bình Thuận. "Tôi nghĩ Việt Nam coi LNG là một cách để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Hiện có quá nhiều áp lực từ Nhà Trắng".

1000x-1

Phối cảnh Dự án LNG. Ảnh: Bloomberg.

Thật vậy, các nhà lãnh đạo nỗ lực để tránh rơi vào tình cảnh như Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6 nói rằng Việt Nam đang hưởng lợi quá lớn từ quan hệ thương mại với Mỹ. Tuyên bố này của ông Trump làm dấy lên lo ngại Mỹ có thể đánh thuế hàng Việt Nam giống như hàng Trung Quốc.

Theo Bloomberg, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer "có một tấm bảng về thương mại": Nếu một quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ trên 10 tỉ USD thì quốc gia đó sẽ ở giữa hồng tâm của tấm bảng", ông Ernest Bower, Chủ tịch của Bower Group Asia có trụ sở tại Virginia, cho hay. Công ty Bower Group Asia chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp hoạt động ở Đông Nam Á.

1000x-1-2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bên trái) và Tổng thống Donald Trump

Trước áp lực của Mỹ, Việt Nam cũng đang kiểm soát chặt chẽ việc gắn nhãn "Made in Vietnam" cho hàng hóa Trung Quốc tuồn sang để né tránh thuế quan của ông Trump.

Theo Bloomberg, Việt Nam có lẽ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khi các công ty bao gồm Nintendo và Google của Alphabet chuyển sản xuất sang nước ta. 

Vậy nên, các quan chức Việt Nam, từ trung ương đến địa phương, đang tìm cách cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ, vốn đạt 40 tỉ USD trong năm 2018. Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam thặng dư thương mại 30 tỉ USD với Mỹ, cao hơn 39% so với cùng kì năm ngoái, theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ.

Bloomberg dẫn lời một quan chức tỉnh Bình Thuận, cho biết: "Nếu chúng tôi mua nhiều hơn từ Mỹ, điều đó chắc chắn sẽ giúp cải thiện mối quan hệ với Mỹ". Dự án khí hóa lỏng Bình Thuận nói trên có sự tham gia của nhiều công ty như General Electric, KBR và Korea Gas.

Nhập khẩu than đá và động cơ

Theo Bloomberg, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự kiến đến thăm Nhà Trắng vào tháng 10/2019 và mang theo một danh sách gồm các thương vụ mua sản phẩm Mỹ. Danh sách này có thể sẽ bao gồm khí thiên nhiên từ Texas, than đá từ Pennsylvania, thịt heo từ Iowa và thậm chí là động cơ máy bay. 

Tổng trị giá có thể lên tới hàng tỉ USD. Chẳng phải ngẫu nhiên khi nhiều mặt hàng trong số này đến từ những khu vực đóng vai trò trọng yếu trong chiến dịch tái đắc cử của ông Trump trong năm 2020.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump gây áp lực thương mại lên Việt Nam. Tổng thống Mỹ đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Việt Nam mua thiết bị quân sự trong suốt chuyến thăm Việt Nam trong năm 2017, nhấn mạnh tới việc ông tái tranh cử Tổng thống Mỹ trong năm 2020. 

Trong dự án LNG ở tỉnh Bình Thuận nói trên, Việt Nam sẽ mua khí tự nhiên từ Mỹ, mặc dù họ vẫn chưa bắt đầu trao đổi với các nhà cung ứng, kĩ sư John Rockhold nói với Bloomberg.

"Nếu các công ty tư nhân hỗ trợ chính sách của Chính phủ thì Chính phủ có thể hỗ trợ công ty tư nhân theo các cách khác", một chuyên gia kinh tế Việt Nam trao đổi với Bloomberg.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không do dự về việc tăng cường mua hàng hóa Mỹ. Theo Bloomberg, trong một cuộc trò chuyện không chính thức với Tổng thống Trump bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản tháng 6 vừa qua, Thủ tướng đã nói tới việc mua "một lượng lớn" khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Theo ước tính của các chuyên gia Bloomberg, tổng nhu cầu LNG của Việt Nam có thể đạt 4 triệu tấn/năm vào năm 2030. Việc nhập khẩu từng ấy LNG từ Mỹ - trị giá khoảng 1,5 tỉ USD/năm - tương đương với 3,7% thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong năm 2018.

Tháng này, công ty Liquefied Natural Gas Ltd. thông báo một tài liệu điều khoản không ràng buộc mà từ đó có thể đưa tới thỏa thuận đầu tiên về việc cung ứng khí LNG cho một nhà máy điện ở Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Theo thỏa thuận này, Việt Nam có thể nhập khẩu 30 tỉ USD LNG từ Mỹ cho một dự án kéo dài 25 năm và từ đó giúp giảm bớt chênh lệch thương mại với Mỹ, Delta Offshore Energy PTE có trụ sở ở Singapore cho biết trong một thông cáo báo chí. Đây là công ty đang có kế hoạch xây dựng dự án nói trên.

1000x-1-4

Ảnh min họa.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 1/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói Việt Nam sẽ mua thêm máy bay Boeing của Mỹ. 

Một tháng sau đó, trong chuyến đi tới Hà Nội để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un của ông Trump, hai hãng hàng không Bamboo Airways và VietJet đã kí thỏa thuận mua tổng cộng 110 máy bay Boeing. Trong khi đó, Vietnam Airlines cho biết họ đang cân nhắc mua 50-100 chiếc máy bay, có thể là từ Boeing.

"Làm ăn với các đối tác của Mỹ khá an toàn và điều này có thể giúp phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ", ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways cho biết.

Hồi tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) thông báo đang đàm phán để mua than đá từ Xcoal Energy & Resources của Mỹ có trụ sở ở Pennsylvania, một bang được cho là sẽ đóng vai trò then chốt trong cuộc bầu cử năm 2020 và đã giúp ông Trump thắng cử trong năm 2016.

Thiếu hụt thịt heo

Ông Nestor Scherbey, một chuyên gia về hải quan, đang trao đổi với các nhà cung ứng thịt heo Mỹ để giúp khỏa lấp phần thịt heo thiếu hụt từ giờ cho đến Tết Nguyên Đán năm 2020, khoảng 500.000 tấn (có tổng trị giá khoảng 1,29 tỉ USD). Sự thiếu hụt này xảy ra là do dịch tả heo châu phi lan rộng trên nhiều tỉnh thành trong cả nước.

1000x-1-5

Ảnh minh họa: Bloomberg.

"Bạn sẽ bắt đầu thấy thịt heo đóng hộp từ Texas ở các siêu thị Việt Nam", ông nói. 

Người tiêu dùng Việt vốn đã rất thích các sản phẩm Mỹ nay lại có cơ hội tiếp cận nhiều hơn. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, Việt Nam nhập khẩu hơn 3,1 tỉ USD thiết bị điện tử Mỹ (như iPhone và laptop Dell) trong 8 tháng đầu năm 2019, tăng 52% so với cùng kì năm trước.

Rau củ và trái cây nhập khẩu từ Mỹ cũng tăng 72% khi táo Gala và nho không hạt Thompson của Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều ở các siêu thị Việt Nam.

Dù vậy, với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 58,5 triệu đồng (tương đương 2.522 USD) mỗi năm, việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa cao cấp khác có vẻ khó. Tôm hùm Alaska – vốn được bán ở mức 56 USD/kg ở TP HCM – và chiếc xe thể thao Explorer của Ford Motor – với mức giá 97.700 USD ở Việt Nam – có vẻ xa tầm với của hầu hết người tiêu dùng Việt.

Nỗ lực tăng cường nhập khẩu từ Mỹ của Việt Nam lại thêm phần phức tạp vì quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của ông Trump. Thỏa thuận này sẽ giảm 90% thuế quan từ các quốc gia như Australia, New Zealand, Nhật Bản và Canada và do đó, sản phẩm xuất khẩu của Mỹ sẽ bị bất lợi, ông Fred Burke, Giám đốc công ty luật Baker McKenzie, cho hay.

"Phần lớn đợt giảm hàng rào thuế quan sẽ bắt đầu có hiệu lực trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020", ông Fred Burke trao đổi với Bloomberg.

Minh Tuấn