|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Elon Musk và nhiều CEO đổ xô đến San Francisco, tìm cách kết giao với ông Tập Cận Bình

14:21 | 15/11/2023
Chia sẻ
Trung Quốc cần trấn an doanh nghiệp rằng nước này vẫn sẵn sàng hợp tác kinh doanh với nước ngoài và triển vọng kinh tế vẫn khả quan. Các doanh nghiệp phương Tây thì muốn tiếp cận được với thị trường khổng lồ của Trung Quốc.

Từ trái sang: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, CEO Jane Fraser của Citigroup và CEO Elon Musk của Tesla. (Ảnh: Bloomberg). 

Tuần này, các nhà lãnh đạo của Tesla, Microsoft, Citigroup, Exxon Mobil và nhiều công ty đa quốc gia sẽ tập trung tại San Francisco để được gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nguyên thủ châu Á khác.

Cuộc gặp của các doanh nghiệp bên lề cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra trong môi trường thương mại thách thức nhất trong hàng chục năm trở lại đây.

Washington đang gắng sức ngăn Bắc Kinh thu mua chip máy tính cao cấp và đã áp đặt hạn chế đối với các khoản đầu tư của Mỹ vào quốc gia tỷ dân. Bắc Kinh phản ứng bằng cách khởi động chiến dịch phát triển chip của riêng mình và khuyến khích người dân mua điện thoại cũng như các sản phẩm được sản xuất trong nước.

Từ công nghệ đến logistics, dầu khí cho đến tài chính, giới doanh nghiệp Mỹ đang phải vật lộn để có thể tiếp tục tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc và đồng thời tuân thủ một loạt các quy định, thuế quan và lệnh hạn chế xuất khẩu của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Một số doanh nhân nổi tiếng nhất nước Mỹ đã lên lịch tham dự cuộc gặp bên lề APEC, bao gồm tỷ phú Elon Musk - CEO hãng xe điện Tesla, bà Jane Fraser - CEO tập đoàn tài chính hàng đầu nước Mỹ Citigroup và ông Satya Nadella - CEO của Microsoft.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết một số doanh nhân đã được mời dùng bữa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là cơ hội để họ bày tỏ mối lo và thể hiện tham vọng của mình với người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bầu không khí thân mật.

Giáo sư Dan Prud’homme của Đại học Quốc tế Florida nhận định: “Nếu các lãnh đạo doanh nghiệp gặp ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh này, họ sẽ tìm kiếm dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Mỹ - Trung đang tan băng”.

APEC được thành lập vào năm 1989 với mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do và công bằng. Cuộc tụ họp ở San Francisco năm nay sẽ đánh dấu lần đầu tiên Mỹ chủ trì sự kiện này trong vòng 12 năm và tạo điều kiện để Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp mặt trực tiếp. 

 

Phá băng mối quan hệ

Trong những tháng gần đây, các quan chức cấp cao từ cả hai nước đã gặp gỡ nhiều lần để đặt nền móng cho cuộc gặp mặt đầu tiên giữa ông Biden và ông Tập trong một năm qua.

Một trong các dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ - Trung đang ấm lên là chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc công bố thỏa thuận mua máy bay 737 Max của Boeing trong khuôn khổ APEC, nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Thỏa thuận trên sẽ đánh dấu bước đột phá đáng kể đối với Boeing do hãng này gần như đã bị loại khỏi thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây. Trung Quốc cũng mua hơn 3 triệu tấn đậu nành từ Mỹ vào tuần trước, thể hiện cử chỉ thiện chí, theo các nguồn tin.

Ông Evan Medeiros, cựu cố vấn cao cấp về châu Á cho Tổng thống Barack Obama, cho biết: “Cả hai bên đã quyết định tạm ngừng căng thẳng và cố gắng tạo sự ổn định cho mối quan hệ song phương”.

Đối với các lãnh đạo doanh nghiệp, APEC là cơ hội để thuyết phục, thúc đẩy các kế hoạch của họ và thảo luận về tình hình thế giới. Elon Musk dự kiến sẽ cùng CEO Marc Benioff của Salesforce tham gia phiên họp có tên “Cuộc trò chuyện về tương lai”.

Sự kiện được mong đợi nhất là bữa ăn với ông Tập. Các nguồn tin của Bloomberg cho biết các lãnh đạo doanh nghiệp đã tranh nhau giành lấy chỗ ngồi hoặc để được đưa vào danh sách chờ.

Ông Tập cần phải trấn an các CEO rằng Trung Quốc rất cởi mở với doanh nghiệp ngoại và đang đạt được tiến bộ trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế.

Trong khi đó, các vị khách sẽ muốn nói với ông rằng họ vẫn coi Trung Quốc là thị trường cực kỳ quan trọng bất chấp những nỗ lực của Washington nhằm dựng lên các rào cản xung quanh các công nghệ nhạy cảm.

Nỗ lực kết thân

Các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram và WhatsApp của Meta đã bị chặn ở một số nước châu Á, bao gồm Trung Quốc, trong suốt nhiều năm.

Song, Meta ngày càng phụ thuộc vào châu Á để sản xuất kính thực tế ảo và kính thông minh. Trong khuôn khổ APEC, các giám đốc cấp cao của Meta sẽ cố gắng củng cố mối quan hệ với các quan chức chính phủ và nhà sản xuất trong khu vực có thể giúp đỡ họ tăng trưởng.

Đối với doanh nghiệp Mỹ, nỗ lực kết thân với Trung Quốc cũng đi kèm với rủi ro. Apple thường xuyên bị chỉ trích vì đã thực hiện một số nhượng bộ để được phép hoạt động tại Trung Quốc.

Apple tạo ra 1/5 doanh thu từ Trung Quốc và đa số các thiết bị của hãng được sản xuất tại đây. Apple hợp tác với một doanh nghiệp có liên hệ với chính phủ Trung Quốc để vận hành dịch vụ iCloud. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể truy cập dữ liệu được lưu trữ trên tài khoản Apple của người dùng. Apple phản đối cáo buộc này.

CEO Tim Cook của Apple không tham dự APEC nhưng ông đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng trước và gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào.

Hãng xe điện Tesla của Elon Musk có nhà máy lớn ở Thượng Hải. Vị tỷ phú này cũng từng bị chỉ trích vì cố gắng lấy lòng Bắc Kinh. Năm ngoái, ông đề xuất rằng Đài Loan nên được coi là một đặc khu giống như Hong Kong. 

Giang