|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Black Friday: 5 lý do không nên chi tiêu vào ngày 'Thứ Sáu đen tối'

09:30 | 22/11/2022
Chia sẻ
Black Friday từng được coi là "ngày mua sắm bận rộn nhất trong năm" với những hóa đơn mua sắm với chiết khấu cao, được cho là giúp tiết kiệm đáng kể tiền bạc từ đồ điện tử tới đồ nội thất.

Nhiều năm trôi qua, hoạt động mua sắm vào Black Friday đã bắt đầu sớm hơn và sớm hơn nhiều tuần trước đó. Trong khi một số cửa hàng đã đi ngược lại xu hướng cho phép người mua sắm chật kín lối đi vào Lễ Tạ ơn, nhiều cửa hàng vẫn mở cửa đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.

Câu hỏi vẫn còn là: Việc đổ xô đến cửa hàng trước khi mặt trời mọc để hưởng các ưu đãi Black Friday có đáng không? Một số chuyên gia tài chính cá nhân cho rằng không nên chi tiêu quá nhiều vào Black Friday.

Ưu đãi trong ngày Black Friday đã không còn thực sự có lợi

Mặc dù các nhà bán lẻ liên tục sử dụng các cách thức khác nhau để thúc giục người mua đừng bỏ lỡ các khoản tiết kiệm cực lớn vào Black Friday nhưng rõ ràng, có nhiều ưu đãi không thực sự là chiết khấu, giảm giá gì cả. Trong một số trường hợp, mặt hàng giảm giá là sản phẩm chất lượng thấp, không có giá trị như giá gốc của nó. Trong các trường hợp khác, sản phẩm được tăng giá lên cao rồi giảm mạnh nhưng thực tế vẫn bán bằng hoặc không chênh lệch nhiều với giá bán suốt cả năm.

Mua sắm, chi tiêu vào Black Friday không hẳn là tiết kiệm. (Nguồn: Yahoo Finance) 

Do vậy, khoản tiết kiệm khi chi tiêu vào Black Friday có thể là thật, hoặc hoàn toàn không tiết kiệm được. Điều quan trọng là bạn phải nghiên cứu kỹ về những mặt hàng mình muốn mua, so sánh giá cả trong năm để xác định xem liệu bạn có mua đúng mặt hàng, chất lượng mình cần với giá hời hay không.

Một trong những hạn chế lớn nhất đối với hoạt động mua sắm Black Friday là sự đông đúc. Theo Zippia, vào năm 2021, có 155 triệu người đã mua sắm vào Black Friday, chi tiêu trung bình 430 USD/ người ở Mỹ. Đám đông ở một số khu vực thậm chí đã chen lấn gây thương vong.

Các nhà bán lẻ là những nhà tiếp thị thông minh. Họ biết rằng quảng cáo về những chương trình ưu đãi có thời hạn hoặc giảm giá cho một số mặt hàng nhất định chắc chắn sẽ thu hút được người mua. Họ cũng biết rằng một khi người tiêu dùng đã muốn mua hàng vào Black Friday thì người đó thường sẽ mua nhiều hơn mục tiêu ban đầu.

Nhiều cửa hàng và thương hiệu dành hàng tháng trời để chuẩn bị cho Black Friday. Mọi thứ, từ bố cục của quảng cáo đến các chiến dịch truyền thông xã hội đến nơi họ đặt sản phẩm trong cửa hàng đều được thiết kế để khiến chúng ta chi nhiều tiền hơn. Do vậy, nếu bạn đang có ngân sách tiết kiệm, tốt nhất là nên tránh sự cám dỗ và đặt mua những món đồ cần thiết.

Vào ngày Black Friday, không chỉ có một lượng lớn người đến một địa điểm trong một thời gian cụ thể, họ còn tranh giành một sản phẩm nhất định. Để tạo ra tiếng vang và sự quan tâm, các nhà bán lẻ cố ý đặt quảng cáo giới thiệu các mặt hàng có số lượng hạn chế. Người tiêu dùng hy vọng đạt được các giao dịch có lợi nên sẵn sàng tranh giành, chen lấn.

Tiết kiệm là cả một quá trình lâu dài, chỉ riêng ngày Black Friday không thực sự hiệu quả

Những người mua sắm vào Black Friday cũng có thể thấy rằng khoản tiết kiệm mỗi năm một lần không thực sự mang lại nhiều giá trị. Tùy thuộc vào sản phẩm, thực tế có thể sẽ luôn có những thời điểm tốt hơn để mua một vài mặt hàng nào đó với ưu đãi lớn.

Các giao dịch Black Friday được thiết kế để thu hút khách hàng, vì vậy người bán thường khoe khoang các chương trình giảm giá quá hời. Vấn đề là những ưu đãi này có thể không phải là giao dịch một lần. Trong một số trường hợp, bạn có thể mua sản phẩm trực tuyến với mã khuyến mãi hoặc một số mặt hàng sẽ giảm giá sau kỳ nghỉ lễ tết cuối năm.

Nhìn chung, nếu bạn thực sự muốn tiết kiệm tiền thì việc lên kế hoạch ngân sách và tuân thủ, hạn chế mua sắm và chi tiêu cho những khoản không cần thiết sẽ cần được duy trì quanh năm, không riêng gì Black Friday. Do vậy, nếu không thực sự cần thiết thì tránh chi tiêu mạnh tay vào Black Friday cũng là một cách hiệu quả để cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền.

Thu Phương