|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Black Friday: Từ ngày hội mua sắm cuồng nhiệt đến nỗi thất vọng của người Việt, chuyện gì đã xảy ra?

13:49 | 28/11/2024
Chia sẻ
Tuần lễ mua sắm Black Friday đã giảm nhiệt đối với cả người tiêu dùng và nhà bán lẻ ở Việt Nam, dự báo doanh số năm nay sẽ tăng trưởng khiêm tốn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, người bán hàng và người tiêu dùng ở Việt Nam đều nhận thấy tuần lễ Black Friday năm nay kém sôi động hơn so với những năm trước. Nhiều cửa hàng đã đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử thay vì chỉ bán trực tiếp nhằm thúc đẩy doanh số.

Black Friday (ngày thứ 6 đen) là ngày hội giảm giá, khuyến mại lớn có nguồn gốc từ Mỹ, diễn ra sau Lễ Tạ ơn. Năm nay, Black Friday rơi vào ngày 29/11. Trên thực tế, các nhà bán lẻ thường khởi động chương trình khuyến mại từ giữa tháng 11 và kéo dài đến đầu tháng 12 hoặc lâu hơn.

Khách hàng mua sắm trong tuần lễ Black Friday tại Hà Nội. (Ảnh: HD).

Ngán ngẩm với “sale sập sàn” Black Friday

Nghe tin một thương hiệu giày thể thao giảm giá đến 50 -70% tại cửa hàng, chị Hải Yến, 28 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội tranh thủ giờ nghỉ trưa ít ỏi để đi săn sale. Tới nơi, chị thấy có rất nhiều khách hàng có mặt tại đây nhưng điều kỳ lạ là lúc về họ đều “trắng tay”.

Sau khi đến gần hơn với quầy trưng bày sản phẩm, chị Yến đã hiểu lý do. “Các sản phẩm giảm giá sâu đa phần là hàng cũ, kích cỡ thì quá to hoặc quá nhỏ khiến tôi không đi vừa bất cứ đôi nào. Tôi muốn thử sang kích cỡ khác thì nhân viên trong tiệm thông báo đã hết và khuyến nghị tôi tham khảo một số mẫu mới”.

Lướt nhìn sang các mẫu giày khác, chị Yến thấy được giảm giá từ 5 – 25%. Sau một hồi phân vân, chị chọn mua một đôi giày trong bộ sưu tập mới dù mặt hàng này chỉ giảm giá 8%. Như vậy, chị đã không thực hiện được kế hoạch ban đầu đặt ra, còn cửa hàng đã đạt được mục tiêu của chiến dịch Black Friday.

Cửa hàng chạy đua với các chương trình giảm giá. (Ảnh: HD).

Để tránh rơi vào bẫy giảm giá của các cửa hàng, Mai Phương, 25 tuổi chọn cách liệt kê ra những sản phẩm cần mua và mức giá tối đa bỏ ra. Nếu sản phẩm nào quá đắt Phương sẽ từ bỏ.

Sau một ngày đi khắp các gian hàng trong trung tâm thương mại, cô gái đã mua được 5 món đồ với tổng giá trị chưa đến 1,5 triệu đồng. Cô đánh giá đợt săn sale thành công khi hầu hết sản phẩm cô mua được đều giảm đến 50 – 60% .

Song, Phương cũng tiết lộ, kinh nghiệm này của cô được rút ra từ rất nhiều mùa Black Friday “cháy túi” và vỡ kế hoạch. “Khi đi mua sắm, mọi người thường thích cảm giác được giảm giá nhưng không hề biết sản phẩm đã thực sự giảm giá hay chưa.

Ví dụ, một chiếc váy ngày thường được bán với giá 400.000 đồng nhưng đến ngày lễ cửa hàng tăng giá lên 750.000 – 800 đồng kèm theo dòng chữ giảm giá 50% khiến mọi người lầm tưởng là giá hời nhưng thực chất là không phải. Tôi đã từng trải qua cảm giác này nên hiểu rõ”.

Black Friday đã qua thời hoàng kim

Là một tín đồ mua sắm nhưng hai năm nay, chị Thuỳ Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) gần như không mấy quan tâm đến Black Friday. Một phần là chị không thích cảnh chen lấn, xô đẩy ở các cửa hàng vào ngày lễ, mặt khác, những chiến dịch ngày đôi (10/10, 11/11, 12/12) của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã chiếm hết thời gian của chị.

Như một thói quen, vào thời gian rảnh, chị sẽ bỏ trước vào giỏ hàng đồ cần mua và đợi đến ngày là bấm nút. Để kích cầu, các sàn TMĐT thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại, miễn phí vận chuyển, nâng hạng khách hàng nên chị và bạn bè chị đã chuyển dần sang kênh mua sắm này.

“Black Friday thì phải đợi một năm mới có, trong khi ngày đôi thì tháng nào cũng có nên tôi muốn mua đồ giảm giá thì sẽ mua luôn ở dịp này. Hơn nữa, ưu điểm săn sale trên mạng là tôi không phải đến cửa hàng, vừa tiết kiệm được thời gian và công sức, trong khi giá sản phẩm còn tốt hơn so với mua trực tiếp”, chị Trang giải thích. 

Một cửa hàng bán đồ thể thao trong trung tâm thương mại tại Hà Nội. (Ảnh: HD).

Theo Fortune, sự gia tăng của mua sắm trực tuyến đã giúp việc săn hàng giảm giá thuận tiện hơn và giảm bớt cảnh hàng dài người xếp hàng mua sắm ở các siêu thị, trung tâm bán lẻ trong mùa Black Friday.

Yếu tố thứ hai làm giảm sức nóng của Black Friday là chương trình không chỉ diễn ra vỏn vẹn 24h mà kéo dài hơn, nhiều khách hàng cho biết họ nhận được email về đợt giảm giá này ngay cả trước Halloween. 

Ông Jay Zagorsky, Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Questrom của Đại học Boston chỉ ra một nguyên nhân khác khiến Black Friday đã qua thời hoàng kim do giá của một số mặt hàng có giá trị lớn - vốn thu hút mọi người chờ đến Black Friday để tranh giành, đến nay đã rẻ hơn.

Ví dụ như 20 năm trước, một chiếc TV màn hình phẳng mớicó giá vài nghìn USD. Nếu người tiêu dùng mua vào dịp Black Friday sẽ được giảm giá 15 -20% và tiết kiệm hàng trăm USD. Nhưng ngày nay, người tiêu dùng có thể mua một chiếc TV 32 inch chỉ từ 80 USD, ông Zagorsky chỉ ra.

TS Bùi Văn Thời, Trưởng ngành Thương mại điện tử, trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP HCM) cũng chỉ ra một thực tế là các đơn vị bán lẻ hiện nay đang phải đối mặt với bài toán khách hàng chuộng mua sắm trực tuyến trên Shopee, Lazada, Tiki... hơn là có mặt ở các cửa hàng.  

Ngoài tính tiện lợi, nguyên nhân chính dẫn đến việc người tiêu dùng “nghiện” mua sắm online là nguồn hàng trên các sàn TMĐT đa dạng và có giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, các sàn được vận hành chuyên nghiệp, bài bản, tạo ra trải nghiệm và thói quen mua sắm tốt cho người dùng.

Cửa hàng tìm mọi cách để kích cầu

Ngoài bán trực tiếp tại cửa hàng, nhiều cửa hàng thời trang, giày dép, mỹ phẩm trên đường Cầu Giấy, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ còn đẩy mạnh bán trên các sàn TMĐT như Tiktok, Shopee… Các thương hiệu coi đây là dịp để quảng bá thương hiệu, kích cầu mua sắm trong dịp cuối năm.

Chị Phạm Linh, chủ một cửa hàng quần áo trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết năm nay đơn vị đã kích hoạt chương trình giảm giá lên đến 60%, diễn ra từ 24/11 đến 1/12 với cả hình thức mua trực tiếp và trực tuyến. Để gia tăng lượng đơn hàng, chị còn thuê thêm hai nhân viên thời vụ chuyên livestream (phát trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội.

“Lượng đơn hàng trong mùa Black Friday năm nay có tăng nhưng không đáng kể. Lý do tôi vẫn đầu tư cho dịp này là để giữ chân khách cũ và tăng lượng khách hàng mới. Ngoài chạy các chiến dịch giảm giá, cửa hàng sẽ tối ưu nguồn lực bằng cách cho ra mắt bộ sưu tập mới vào giai đoạn này để khách đến mua hàng có thể tham khảo thêm”, chị Linh thông tin.

Nhiều cửa hàng "hụt hơi" trong cuộc chiến với các sàn thương mại điện tử. (Ảnh minh hoạ: HD).

Nhân viên của một hãng đồ thể thao, leo núi tại một trung tâm thương mại tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, lượng khách đến mua đồ khuyến mại năm nay ít hơn các năm trước do mọi người có xu hướng đặt mua trên các nền tảng online.

“Chỉ có một số sản phẩm mang tính trải nghiệm như ghế ngồi, lều, bạt hay giày tập mẫu mới cần thử lần đầu thì mọi người mới đến cửa hàng, còn đâu sẽ chọn mua trên website”.

Song, nhân viên hãng này cũng thừa nhận lượng khách đến cửa hàng giảm còn đến từ yếu tố như có nhiều thương hiệu tương tự xuất hiện với mức giá cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng hạn chế chi tiêu so với đây do kinh tế khó khăn.

Theo TS Bùi Văn Thời, để nâng cao sức cạnh tranh trong thời gian tới, các nhà bán lẻ cần có những chiến dịch bài bản hơn, đầu tư hơn về thương mại điện tử, marketing để nắm bắt được xu hướng tiêu dùng. Theo ông, dù là bán hàng trực tiếp hay trực tuyến đều có ưu, nhược điểm, điều quan trọng là tìm ra hướng đi mới để không bị bỏ lại phía sau.

Hoàng Dung