'Bình Dương có thể đã có dịch COVID-19 trong cộng đồng'
Sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch hiện nay.
Phó Thủ tướng cho biết, qua phân tích của các chuyên gia, số liệu cho thấy TP HCM và Bình Dương có thể đã có chùm lây nhiễm mới từ trước ngày 8/6, do đó ít nhiều trong cộng đồng đã có dịch.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Dương khi khoanh vùng, phong toả phải thật chặt, nếu không sẽ không chỉ thiệt hại kinh tế mà còn khiến người dân có tâm lý lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch.
Trường hợp chưa khoanh được hẹp ngay thì khoanh vùng rộng nhưng phải làm rất nghiêm để tập trung lấy mẫu xét nghiệm rất nhanh trong một vài ngày, xác định được đúng các ổ dịch, nguồn lây để thu hẹp khu vực phong toả, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Đối với công tác phòng chống dịch trong KCN, Phó Thủ tướng đề nghị Bình Dương phải chỉ đạo các DN xây dựng phương án bố trí ca kíp sản xuất gắn với chỗ ở của công nhân, gắn với tuyến xe đưa đón. Đồng thời các DN phải lập ngay danh sách công nhân, số điện thoại liên lạc, tổ chức khai báo y tế, sử dụng hệ thống tổng đài gọi điện tự động để tầm soát, phát hiện những người có triệu chứng ho, sốt… Các DN phải quán triệt công nhân hạn chế tiếp xúc, giao lưu, đi xe đúng tuyến.
Cũng trong cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận xét nguy cơ lây nhiễm giữa khu công nghiệp (KCN), các nhà máy, doanh nghiệp (DN) và khu dân cư xen kẽ tại Bình Dương là rất lớn. Một số điểm thực hiện giãn cách xã hội, phong toả theo các mức độ nguy cơ chưa thực hiện nghiêm.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Y tế sẽ cấp khoảng 500.000 - 1 triệu liều vắc xin cho Bình Dương trong tháng 7 để triển khai tiêm cho công nhân.
Bình Dương trong tình trạng trực chiến cao nhất trước lo ngại những F0 đang ở ngoài cộng đồng
Về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết từ ngày 27/5 đến nay Bình Dương ghi nhận 164 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, chủ yếu liên quan đến các ổ dịch ở TP HCM, với biến thể Delta, loại được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ. Dịch đã xuất hiện trong một số DN, nhà máy, KCN, lây lan sang nhà trọ và vào các nhà máy khác.
Bình Dương đang tập trung xử lý hai chuỗi lây nhiễm lớn, phức tạp, một tại phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) với 20 ca và tại Công ty Việt Nam House Wares (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An) với 86 ca do đến nay chưa xác định được nguồn lây.
Hiện Bình Dương đang cách ly tập trung hơn 3.000 người và có phương án tăng năng lực cách ly từ 10.000 lên 30.000 người.
Bình Dương có 29 KCN, trên 1,2 triệu lao động, trong đó 500.000 người làm việc trong KCN. Nhiều nhà máy, DN của Bình Dương nằm đan xen trong khu dân cư nên việc lây nhiễm rất phức tạp. Tỉnh đã liên hệ để sớm đưa vào sử dụng phần mềm quản lý công nhân trong KCN (đã triển khai tại Bắc Giang), lập 100 tổ kiểm tra công tác phòng chống dịch tại nhà máy, KCN.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, do nằm sát với TP HCM, ranh giới đan xen, số lượng ổ dịch tiếp xúc với TP HCM rất lớn, hầu như mỗi ngày đều báo cáo F0 mới có liên quan. Ý thức người dân có phần lơ là chủ quan. Nhiều trường hợp F0, F1 khai báo quanh co, không trung thực. Bình Dương rất lo ngại những F0 còn đang ở ngoài cộng đồng nếu không được phát hiện nhanh để lây lan vào KCN thì sẽ bùng phát rất nhanh. Vì vậy, toàn hệ thống chống dịch của Bình Dương đang đặt trong tình trạng trực chiến cao nhất.