|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Big Tech Trung Quốc không được cung cấp dịch vụ ChatGPT

16:05 | 22/02/2023
Chia sẻ
Chính quyền Trung Quốc mới đây đã yêu các công ty công nghệ hàng đầu nước này như Tencent Holdings, Ant Group,... không được cung cấp dịch vụ ChatGPT trong bối cảnh xuất hiện nhiều cảnh báo về các câu trả lời thiếu kiểm duyệt.

Các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã yêu cầu các công ty công nghệ lớn của nước này không cung cấp dịch vụ ChatGPT cho công chúng trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng đưa ra nhiều cảnh báo về các câu trả lời không được kiểm duyệt do chatbot của OpenAI cung cấp cho các truy vấn của người dùng, theo Asia Nikkei.

Tencent Holdings và Ant Group, chi nhánh fintech của gã khổng lồ Alibaba Group Holding, mới đây đã được hướng dẫn không cung cấp quyền truy cập vào các dịch vụ ChatGPT trên nền tảng của họ, kể cả theo hình thức trực tiếp hoặc thông qua bên thứ ba, những nguồn tin thân cận với vấn đề này chia sẻ trên Asia Nikkei.

Các công ty công nghệ khác của Trung Quốc cũng sẽ cần báo cáo với các cơ quan quản lý trước khi họ tung ra các dịch vụ giống như ChatGPT của riêng mình, các nguồn tin cho biết thêm.

Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc không được cung cấp dịch vụ ChatGPT. (Ảnh: Asia Nikkei).

ChatGPT, được phát triển bởi công ty khởi nghiệp OpenAI do gã khổng lồ Microsoft hậu thuẫn, không có sẵn phiên bản chính thức ở Trung Quốc, nhưng một số người dùng internet đã có thể truy cập vào công cụ này bằng cách sử dụng mạng riêng ảo (VPN).

Ngoài ra, cũng đã có hàng chục "chương trình nhỏ" được phát hành bởi các nhà phát triển bên thứ ba trên ứng dụng truyền thông xã hội WeChat của Tencent tuyên bố cung cấp dịch vụ từ ChatGPT. Dưới áp lực pháp lý, Tencent đã đình chỉ một số dịch vụ của bên thứ ba như vậy, bất kể chúng được kết nối trực tiếp với ChatGPT hay là những dịch vụ “sao chép” công cụ này, những người quen thuộc với vấn đề này nói với Nikkei.

Động thái của các nhà quản lý diễn ra trong bối cảnh có nhiều phản ứng dữ dội chống lại công cụ chatbot ChatGPT. Đầu tuần này, hãng truyền thông nhà nước China Daily cho biết trong một bài đăng trên Weibo, mạng xã hội gần giống với Twitter của Trung Quốc, rằng chatbot ChatGPT “có thể giúp một số bên truyền bá thông tin sai lệch và thao túng các câu chuyện cho mục đích riêng của họ”.

Các nguồn tin trong ngành công nghệ cho biết họ không ngạc nhiên khi chính quyền Trung Quốc siết chặt quản lý đối với công cụ đang gây bão trên toàn cầu tại quốc gia tỷ dân này. "Ngay từ đầu, chúng tôi hiểu rằng ChatGPT không bao giờ có thể xâm nhập vào Trung Quốc do các vấn đề về kiểm duyệt và Trung Quốc sẽ cần các phiên bản ChatGPT của riêng mình", một giám đốc điều hành của một công ty công nghệ hàng đầu cho biết.

Một giám đốc điều hành từ một công ty công nghệ hàng đầu khác của Trung Quốc nói rằng ngay cả khi không có cảnh báo trực tiếp từ các cơ quan chức năng, công ty của ông cũng sẽ không sử dụng công cụ chatbot ChatGPT.

"Chúng tôi đã trở thành mục tiêu của các cơ quan quản lý Trung Quốc trong vài năm qua, khi chính quyền siết chặt quản lý với lĩnh vực công nghệ. Do đó, ngay cả khi không có các lệnh cấm như vậy, chúng tôi cũng sẽ không bao giờ chủ động tích hợp thêm công cụ ChatGPT vào nền tảng của mình vì phản ứng trước hành động này là không thể kiểm soát được. Chắc chắn sẽ có một số người dùng hỏi chatbot những câu hỏi nhạy cảm về mặt chính trị, nhưng nền tảng của chúng tôi sẽ là những người phải chịu trách nhiệm về kết quả”, vị giám đốc điều hành này chia sẻ.

Kể từ khi ChatGPT chiếm lĩnh thế giới công nghệ như một cơn bão, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, bao gồm Tencent, Alibaba và Baidu, đã gấp rút công bố kế hoạch phát triển các dịch vụ giống ChatGPT của riêng họ.

Tuy nhiên, các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc này đã thận trọng về cách diễn đạt các thông báo của họ, nhưng, tất cả họ đều nhấn mạnh rằng các dịch vụ của mình sẽ giống với ChatGPT, song không tích hợp chính ChatGPT.

Chẳng hạn, ông lớn Baidu, công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm dữ liệu trên internet lớn nhất Trung Quốc, đã thông báo rằng họ sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ một dự án giống ChatGPT có tên là "Ernie Bot" vào tháng 3. Ban đầu, dịch vụ này có thể không phải là một chatbot mà là một tính năng nhúng trong một số sản phẩm của công ty, những người quen thuộc với vấn đề này tại Baidu nói với Asia Nikkei.

Việc siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng Trung Quốc đối với ChatGPT diễn ra khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang. Hiện tại, tất cả đại diện của các bên liên quan bao gồm OpenAI, Alibaba, Tencent và Ant Group vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Anh Nguyễn