|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người Việt đang lo lắng điều gì trước ‘cơn bão’ ChatGPT?

11:40 | 22/02/2023
Chia sẻ
Thách thức cơ hội nghề nghiệp và việc đạo văn, lười tư duy của học sinh/sinh viên là hai lo lắng phổ biến được người Việt Nam thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội khi nói về ChatGPT.

Thời gian qua, ChatGPT - một chatbot AI đã gây sốt trên toàn cầu. Tại Việt Nam, phiên bản miễn phí ChatGPT không được mở nhưng nhiều người đã có thể tiếp cận nền tảng này thông qua dịch vụ số điện thoại ảo và mạng riêng ảo.

Trước sức nóng của ChatGPT, ngày 11/2, OpenAI - đơn vị phát triển ChatGPT, đã mở dịch vụ ChatGPT Plus bản trả phí (20 USD/tháng) tại Việt Nam. Đứng trước động thái này, quan điểm của các chuyên gia về ChatGPT như thế nào và làm sao để các doanh nghiệp Việt tận dụng ChatGPT vào công việc kinh doanh, sản xuất của mình?

Nên bình tĩnh trước ChatGPT

Trong báo cáo mới công bố của Reputa - một công ty dữ liệu thuộc tập đoàn Viettel, ông Đinh Trần Tuấn Anh, chuyên gia AI kiêm Founder Unikon, nói rằng: “Đối với giới công nghệ, ChatGPT thực chất không phải là điều gì quá mới mẻ. Điều đáng chú ý ở đây là tất cả mọi người đều đang hào hứng nói rất nhiều về một thứ mà họ không thực sự hiểu, tạo ra một cơn sốt. Tình trạng này có thể sẽ dẫn đến các hiện tượng trục lợi, lừa đảo, chẳng hạn như bán tài khoản ChatGPT giá cao”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel Cyberspace Center, lại nhìn dưới góc độ lợi ích khi cho rằng ChatGPT là một trong những chatbot thông minh nhất hiện nay. Ông cho biết các công ty công nghệ tại Việt Nam có thể tận dụng những "công nghệ lõi" về trí tuệ nhân tạo của các tập đoàn lớn trên thế giới để phát triển những sản phẩm của riêng mình.

 

Ông Bùi Quang Tinh Tú, Giám đốc phát triển Jobhopin, khuyên “những lao động trẻ không nên bị áp lực tâm lý trước làn sóng công nghệ. Thay vào đó, hãy dành thời gian nâng cao hiểu biết của mình để làm chủ công nghệ và sử dụng chúng nhằm nâng cao giá trị của mình hơn”.

Nhận định về trào lưu này, báo cáo của Viettel chỉ ra ChatGPT không phải là một công nghệ mới hoàn toàn. OpenAI thực ra đã triển khai từ trước đó một thời gian. Google, Facebook, IBM,… các tập đoàn lớn đầu tư cho AI cũng đã phát triển các sản phẩm về lĩnh vực này.

“ChatGPT được kỳ vọng sẽ ứng dụng vào công việc, giải quyết các công việc tư vấn có thể tự động hóa và phát triển ứng dụng AI để nâng tầm Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có những lo lắng khi cho rằng ChatGPT và AI sẽ khiến một số nghề nghiệp biến mất, con người sẽ lười tư duy hơn, các ngành truyền thống sẽ phải thay đổi đáng kể để thích nghi, đồng thời vấn đề an toàn thông tin, nguy cơ lộ lọt dữ liệu”, báo cáo nêu.

Ứng dụng ChatGPT tại Việt Nam

Trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã khéo léo “đu trend” bằng cách nhắc đến dịch vụ Ngân hàng số. Trong khi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã liên hệ ChatGPT với dịch vụ tư vấn tài chính. 

Tuy nhiên, theo khảo sát trên mạng xã hội của Reputa, khi nhắc đến ChatGPT và ngành nggân hàng, người Việt thường lo ngại về vấn đề ChatGPT có thể thay thế giao dịch viên trong tương lai.

Trong lĩnh vực giáo dục, FUNiX, một đơn vị thuộc tập đoàn FPT, đã hưởng ứng ChatGPT bằng tổ chức hội thảo trực tuyến về ChatGPT và trang bị tài khoản cho học viên. Khoa Kinh tế, trường Cao đẳng cộng đồng CTIM (TP HCM) cũng tham gia thảo luận bằng cách phân tích ChatGPT.

Trước thông tin này, người ta lo ngại rằng khi nhắc đến ChatGPT và giáo dục, sẽ nảy sinh vấn đề ChatGPT giúp học sinh/sinh viên gian lận trong học tập, thi cử. 

Trong lĩnh vực truyền thông, đơn vị truyền thông Ogilvy đax phân tích vấn đề liệu ChatGPT có thể thay thế người làm sáng tạo được hay không? Đây cũng là lo ngại khi nhắc đến ChatGPT và ngành truyền thông. Người viết lo ngại sẽ bị thay thế, nhất là từ câu chuyện ChatGPT kiếm được 600 USD nhờ viết bài quảng cáo trong vòng 30 giây.

Theo khảo sát, trong vòng một tháng từ 7/1 tới 7/2/2023, đã có hơn 1,3 triệu lượt thảo luận, các bài đăng/bình luận đề cập về chủ đề ChatGPT trên mạng xã hội tại Việt Nam và đạt đỉnh vào thời điểm ngày 2 – 3/2. Trong vòng 14 ngày, người dùng đã dần chuyển từ việc tìm kiếm/ trao đổi về định nghĩa “ChatGPT” sang các nhóm chủ đề về “ứng dụng”, “cách tải/cài và tạo tài khoản” ChatGPT.

Phần lớn (hơn 50%) thảo luận mang tính trung lập. Nội dung tập trung vào việc sử dụng, như về cách thức cài/thuê tài khoản,… và đưa ra các quan điểm về mức độ “thông minh” của ChatGPT. Ngoài việc đăng tải các bài viết trên trang cá nhân, người dùng cũng thảo luận sôi nổi trong các nhóm (group) cộng đồng. Các chủ đề nổi bật là “Cách dùng ChatGPT”; “Sử dụng hiệu quả ChatGPT”; “Cài Extention khi dùng ChatGPT”,…

Đức Huy

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.