|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Biểu quyết từ xa: Quyền đã trao nhưng thực hiện còn khó

07:16 | 04/05/2019
Chia sẻ
Mùa đại hội năm nay, không ít cổ đông có ý thức về quyền biểu quyết từ xa và gửi phiếu biểu quyền về công ty. Tuy nhiên, một hình thức được cổ đông mong chờ hơn là đại hội trực tuyến thì hầu như chưa có doanh nghiệp áp dụng.

Thực tiễn thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp có hàng chục nghìn cổ đông, các cổ đông này cư trú rải rác trên khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến thời điểm tổ chức họp đại hội đồng cổ đông, không phải cổ đông nào cũng có điều kiện đến tham dự.

Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2005 chỉ quy định 2 hình thức dự họp truyền thống là tham dự trực tiếp và ủy quyền cho người khác. Luật Doanh nghiệp 2014 đã bổ sung hình thức hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác; gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua thư, fax, thư điện tử.

Dù việc tổ chức đại hội trực tuyến đã được luật hóa, tháo gỡ băn khoăn liệu đại hội trực tuyến có hợp pháp, nhưng số lượng doanh nghiệp tổ chức đại hội đồng cổ đông trực tuyến rất hiếm.

Năm 2011, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) tổ chức họp ở Hà Nội và TP.HCM, có cầu truyền hình ở hai địa điểm. Sau này, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) với tư cách nhà cung cấp giải pháp tổ chức đại hội trực tuyến đã tổ chức họp theo hình thức này: cổ đông được biểu quyết, bầu cử trực tuyến. Ngoài FPTS, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng cung cấp giải pháp tổ chức đại hội đồng cổ đông trực tuyến, nhưng hầu như không có khách hàng.

Bên cạnh quy định về đại hội đồng cổ đông trực tuyến, Luật còn cho phép cổ đông không dự đại hội trực tiếp có thể thực hiện quyền biểu quyết từ xa qua thư, fax hoặc thư điện tử. Tuy nhiên, nhiều công ty không công bố thủ tục biểu quyết từ xa cho cổ đông.

Một số nhà đầu tư cho biết, họ đã gửi ý kiến biểu quyết không đồng ý qua email, thư chuyển phát đến đại hội của Vietranstimex, Phong Phú..., nhưng không thấy doanh nghiệp ghi nhận vào tỷ lệ biểu quyết. Nghị quyết Công ty vẫn ghi nhận tỷ lệ biểu quyết đạt 100%.

Đối với Vietranstimex, nhà đầu tư cho biết, ông là cổ đông đã 10 năm nay, từ khi Công ty chưa đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Vietranstimex là thương hiệu lớn nhất Đông Nam Á về vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, nhưng hai năm gần đây, kết quả kinh doanh đi xuống, không đạt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra.

Năm 2016, doanh thu là 269 tỷ đồng, năm 2017 còn 160 tỷ đồng. Năm 2018, Công ty đạt doanh thu 221 tỷ đồng, trong khi kế hoạch là 350 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 là 40 tỷ đồng, năm 2017 là 8 tỷ đồng và năm 2018 là 4,3 tỷ đồng (kế hoạch là 35 tỷ đồng) và mức cổ tức chỉ là 4%.

Cổ đông trên đã gửi văn bản góp ý và phiếu biểu quyết đến đại hội, đề nghị Hội đồng quản trị, Ban giám đốc Vietranstimex làm rõ nguyên nhân kinh doanh yếu kém và có biện pháp khắc phục. Thậm chí, cổ đông còn đề nghị cổ đông lớn là Sotran lập đoàn kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp xử lý.

Ngoài ra, Vietranstimex không công bố thông tin về hiện trạng một số lô đất mà Công ty quản lý và sử dụng sau cổ phần hóa. Cổ đông đề nghị giải trình trước đại hội để cổ đông được biết.

Cổ đông này cho biết thêm, trên website của Vietranstimex không công bố thể lệ và phương thức biểu quyết từ xa, nên đã liên hệ với Công ty để hỏi, nhưng cho đến ngày tổ chức đại hội vẫn không nhận được trả lời của nhân viên Công ty.

Trường hợp tại Tổng công ty cổ phần Phong Phú, nhà đầu tư cho hay, nhân viên Công ty sau đó có gọi điện cho biết, do nhận được phiếu biểu quyết từ xa muộn nên không kịp ghi nhận ý kiến cổ đông vào biên bản đại hội và mong cổ đông

thông cảm.

Điều 8, Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp có quy định, công ty đại chúng quy định tại Quy chế nội bộ về quản trị công ty về việc áp dụng các công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại đại hội đồng cổ đông tốt nhất, bao gồm hướng dẫn cổ đông biểu quyết thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác theo quy định.

Nhà đầu tư bày tỏ mong muốn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát chặt chẽ các công ty đại chúng để các công ty thực hiện đúng quy định của luật, ghi nhận ý kiến và biểu quyết của nhà đầu tư biểu quyết từ xa.

Khoản 2, Điều 140, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:
+ Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;
+ Ủy quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp;
+ Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác;
+ Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.

Bùi Trang