|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Biến động theo chứng khoán Mỹ hay Trung Quốc?

21:00 | 18/10/2018
Chia sẻ
Trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, các nhà đầu tư chứng khoán trong nước thường chỉ quan sát diễn biến các chỉ số Dow Jones, S&P500 và Nasdaq của Mỹ để nắm bắt tình hình thị trường tài chính quốc tế. Bây giờ thì ngoài Mỹ, họ còn phải để mắt đến thị trường Trung Quốc, đến sự lên xuống của tỷ giá đồng nhân dân tệ/đô la Mỹ. Chứng khoán Mỹ và Trung Quốc biến động theo hai hướng khác nhau, theo đó Dow Jones từ đầu năm đến nay tăng 3,5%, còn chỉ số Shanghai giảm 23% (đến ngày 16-10-2018). Nếu chứng khoán Mỹ xanh, chứng khoán Trung Quốc có thể vẫn đỏ. Nếu chứng khoán Mỹ đỏ, chứng khoán Trung Quốc chắc chắn sẽ đỏ. Cái khó của nhà đầu tư Việt là không biết VN-Index sẽ chịu ảnh hưởng thế nào, tức là biến động theo Dow Jones hay theo Shanghai nhiều hơn.
bien dong theo chung khoan my hay trung quoc
Ảnh: TBKTSG

Sự băn khoăn này ngày càng trở nên khó chịu vì không ít doanh nghiệp niêm yết đang xuất khẩu sản phẩm hoặc nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc.

Hầu hết các nhà xuất khẩu Việt Nam khi bán hàng sang Trung Quốc đều thỏa thuận thanh toán bằng đồng đô la Mỹ. Một số công ty xuất theo đường tiểu ngạch cho biết họ chấp nhận thanh toán bằng tiền đồng, chứ không nhận đồng tệ. “Đồng tệ đang mất giá, có ngày rớt gần 1% so với đô la Mỹ, nhận thanh toán bằng đồng tệ là “chết” luôn” - đại diện một doanh nghiệp xuất nông sản nói.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt lại có xu hướng tìm vay vốn bằng đồng tệ. Một doanh nhân nói ông sẵn sàng xuất hàng sang Trung Quốc và nhận đồng tệ để trả nợ vay bằng đồng tệ, nhưng tìm được tổ chức cho vay đồng tệ không dễ. Lãi suất vay vốn bằng đồng tệ nhìn chung thấp hơn lãi suất vay tiền đồng, chưa kể nếu đồng tệ rớt giá thêm 5% trong 12 tháng tới, bên đi vay sẽ có lợi kép.

Đồng tệ bắt đầu trụ vững trên mốc 6,9 tệ đổi một đô la Mỹ kể từ đầu tháng 10-2018 sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố giảm thêm 1% dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng từ giữa tháng 10. Hai phiên liền kể từ khi động thái trên có hiệu lực, chỉ số Shanghai giảm sâu về gần 2.540 điểm, thấp hơn cả ngưỡng của đợt sụt giảm năm 2015, khiến cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc phải họp khẩn với các quỹ đầu tư và tổ chức, cá nhân lớn để củng cố niềm tin cho thị trường.

Vào đúng ngày diễn ra cuộc họp khẩn trên 16-10-2018 hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global Rating đưa ra số nợ trong nước của Chính phủ Trung Quốc có thể lên tới 6.000 tỉ đô la Mỹ, cao hơn mức công bố chính thức của chính phủ nước này và nâng tỷ lệ nợ công trên GDP lên mức báo động 60%. “Đấy là tảng băng nợ với sự rủi ro tín nhiệm khổng lồ” - CNBC dẫn lời các chuyên viên phân tích tài chính nhấn mạnh.

Khác với các quốc gia đang “lâm nạn” khác có đồng nội tệ rớt giá, quy mô nền kinh tế Trung Quốc vô cùng lớn và mặc dù đã để mất vị trí thị trường chứng khoán có mức vốn hóa lớn thứ hai thế giới vào tay chứng khoán Nhật Bản, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn đang giữ vị thế thứ ba về vốn hóa. Trong hai tuần đầu tháng 10, nước ngoài liên tục bán ròng chứng khoán Trung Quốc, có ngày họ bán ròng tới 1,4 tỉ đô la Mỹ. Không điều gì có thể khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài “rút chạy” nhanh hơn là sự giảm giá của đồng nội tệ.

Đã có thời gian khá dài trong quá khứ, chứng khoán Việt Nam chỉ biến động dựa trên nền tảng những yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước. Về cơ bản, đến nay các chỉ số vĩ mô vẫn đang hướng tới mục tiêu Quốc hội thông qua. Mới đây báo cáo của Chính phủ trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến năm 2019 tăng trưởng GDP có thể ở mức 6,8%, lạm phát khoảng 4%. Đây là hai chỉ số quan trọng nhất và dự kiến hầu như không đổi so với năm nay.

Biến động của chứng khoán rõ ràng không thể thoát khỏi tác động của bên ngoài, nhưng một khi tâm lý nhà đầu tư ổn định và niềm tin vào nội lực kinh tế trong nước được vun đắp, VN-Index vẫn còn cơ hội chinh phục mốc 1.000 điểm, thậm chí xa hơn từ nay đến cuối năm. Tất nhiên ở đây cũng cần phải có sự đồng thuận trong giao dịch của khối ngoại. Từ đầu năm đến nay, khối ngoại tính chung vẫn mua ròng cả tỉ đô la Mỹ, nhưng đó là các thương vụ đầu tư quy mô của các tổ chức vào một số trường hợp như Techcombank, VPBank, Masan, Vinhomes. Còn trên sàn, khối ngoại liên tục bán ròng qua khớp lệnh. Điều này đã không hỗ trợ tích cực cho tâm lý nhà đầu tư nội địa.

Xem thêm

Thành Nam