Biến 'đất vàng' từ công sang tư sau cổ phần hóa, di dời kho xưởng
Dù thuộc đối tượng phải trả lại đất cho nhà nước hoặc di dời nhưng những năm qua, nhiều doanh nghiệp có quỹ đất lớn, vị trí lợi thế đã không thực hiện mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác... bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác.
Sau đó, nhiều trường hợp đã hoàn thành việc thoái vốn góp (bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất) cho nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, triển khai dự án bất động sản.
Hoạt động này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng của các địa phương... đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Dự án tại 132 Bến Vân Đồn |
Cuối năm 2007, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã góp vốnbằng lợi thế quyền thuê đất cùng với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim và Công ty CP XNK An Giang để lập ra pháp nhân mới là Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Vĩnh Hội, triển khai dự án tại khu đất 7.886 m2 (số 132 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP.HCM).
Đây là khu đất có vị trí thuận lợi, nằm ngay mặt tiền, trục đường chính của Quận 4, cách trung tâm TP.HCM khoảng 1,7 km và được đánh giá sẽ là trung tâm tài chính mới của thành phố.
Theo công bố thông tin về bán đấu giá cổ phần của Vinafood 2 tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Vĩnh Hội, tại ngày 30/6/2014, số cổ phần sở hữu của Vinafood 2 tại Vĩnh Hội là 1,5 triệu, tương ứng 8,8% sở hữu. 2 cổ đông còn lại là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim và Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang lần lượt nắm 44,24% và 26,39% vốn.
Ngày 16/11/2015, Vinafood 2 đã bán đấu giá 1,5 triệu cổ phần tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Vĩnh Hội với giá trúng thầu bình quân bằng mức khởi điểm 30.000 đồng cho 3 nhà đầu tư (1 tổ chức và 2 cá nhân). Tổng số tiền thu về là 45 tỷ đồng, khoản chênh lệch so với tổng giá trị vốn góp ban đầu được xác định là 15 tỷ đồng. Như vậy, giá trị góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất của Vinafood 2 tại 132 Bến Vân Đồn vào Vĩnh Hội chỉ vỏn vẹn 15 tỷ.
Chưa đầy 1 năm sau, dự án này được bán lại cho Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty CP Vận tải biển Trường Phát Lộc. Theo Báo cáo tài chính năm 2016, vào ngày 8/12/2015, Phát Đạt đã ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư có thời hạn 3 năm với tổng giá trị là 883 tỷ đồng với Công ty Trường Phát Lộc liên quan đến việc phát triển dự án tọa lạc tại khu “đất vàng” 132 Bến Vân Đồn. Trong khi đó, số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước chỉ là gần 112,5 tỷ đồng.
Hiện tại, dự án đang được triển khai trên khu “đất vàng” tọa lạc tại số 132 Bến Vân Đồn có tên gọi là Masteri Millenniun với chủ đầu tư bao gồm Công ty CP Đầu tư Thảo Điền, Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Vĩnh Hội và Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt. Quy mô Dự án bao gồm tòa tháp đôi cao 34 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích sàn là 87.630 m2. Hiện tòa tháp này đang được thi công đến tầng 32.
Dự án tại khu đất 678 Âu Cơ |
Trường hợp khác là khu đất 678 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM trước đây của Xí nghiệp kho vận của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn - Seaprodex Sài Gòn (SSN - UPCoM) hiện đã được chuyển đổi thành dự án bất động sản có tên thương mại là Centa Park.
Dự án là khu thương mại và nhà ở với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng với tổng diện tích đất 29.702 m2, diện tích sàn xây dựng 180.000 m2. Hiện nay, cổ phần của Seaprodex Saigon đã không còn do Nhà nước nắm chi phối.
Cuối tháng 7 vừa qua, Seaprodex Sài Gòn đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ xem xét và hướng dẫn công ty về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khu phức hợp 678 Âu Cơ.
Lý do của văn bản này là dự án chưa chuyển mục đích sử dụng đất, thuộc đối tượng xử lý theo văn bản số 342 ngày 7/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo QĐ số 09/2017.
“Việc tạm dừng các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã làm dự án không thực hiện được theo đúng tiến độ thống nhất với Ngân hàng hỗ trợ vốn, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp”, văn bản của Seaprodex Sài Gòn cho biết.
Phối cảnh dự án Kingdom 101 tại khu đất 334 Tô Hiến Thành |
Một trường hợp khác đã được Bộ Tài chính nhắc đến trong danh mục chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn tháng 7/2014 đến tháng 11/2016 gửi Thanh tra Chính phủ để tham khảo phục vụ công tác thanh tra là khu đất 334 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10.
Khu đất này có phía Bắc giáp dự án xây dựng mới Trường Nguyễn Văn Tố, phía Nam giáp đường Tô Hiến Thành, phía Đông giáp đường nội bộ (D1) và phía Tây giáp đường số 8 nối dài.
Khu đất trước đây do Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 2 (Codupha) quản lý. Tuy nhiên, sau khi Codupha di dời đã giao lại cho Công ty cổ phần Phát triển đô thị Đông Dương đầu tư dự án khu chung cư cao tầng và thương mại - dịch vụ - văn phòng. Đây là pháp nhân do Codupha - Công ty cổ phần Phát triển Hoa Lâm và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái góp vốn thành lập.
Tháng 8/2016, UBND TP HCM đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Dương đầu tư dự án Khu căn hộ - Trung tâm thương mại dịch vụ Đông Dương có tổng diện tích 33.635 m2 tại số 334 Tô Hiến Thành, Quận 10. Cuối tháng 9 vừa qua, dự án đã được khởi công với tên thương mại là Kingdom 101 quy mô 30 tầng, dự kiến thời gian thi công là 22 tháng.