|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Biến chủng virus mới có tốc độ lây gấp 2 - 3 lần, biến chứng nặng rất nhanh, tăng tỷ lệ tử vong cho người bệnh

12:47 | 17/07/2021
Chia sẻ
Virus SARS-CoV-2 chủng Delta đang khiến số ca mắc COVID-19 mới và tử vong ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng do khả năng lây lan nhanh, tốc độ tấn công nhanh gấp 2-3 lần.

Đánh giá tại cuộc họp công tác phòng chống dịch toàn quốc diễn ra hôm 16/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ở đợt dịch lần này, biến chủng Delta với đặc điểm lây lan nhanh, tốc độ tấn công nhanh gấp 2 - 3 lần so với các đợt dịch trước.

Cùng với tốc độ bám dính đối với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào dẫn đến việc phá huỷ tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn. Khiến chu kỳ lây nhiễm hiện nay giảm xuống chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây.

Bộ trưởng nhấn mạnh trong những ngày tới, có thể phát hiện thêm nhiều trường hợp mắc mới và có nhiều bệnh nhân sẽ có khả năng tử vong. Các đợt dịch trước chỉ kéo dài từ một đến một tháng rưỡi là kết thúc.

Do đó, TP HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ đang đối mặt đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định, đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, gây tác động trên diện rất rộng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống, phát triển kinh tế - xã hội nhất là ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.

Biến chủng virus mới có tốc độ lây gấp 2 - 3 lần, biến chứng nặng rất nhanh, tăng tỷ lệ tử vong cho người bệnh - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. (Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tại một số địa phương số ca mắc COVID-19 tăng rất nhanh, con số tăng hết sức chóng mặt nhưng phản ánh đúng chúng ta đã tầm soát trong các khu phong tỏa, vùng nguy cơ cao, doanh nghiệp, ngoài cộng đồng, theo Sức khoẻ & Đời sống.

Thứ trưởng cho rằng việc điều trị bệnh nhân F0 vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tại một số tỉnh thành như TP HCM tỷ lệ F0 theo dõi có triệu chứng trở nặng tăng lên, gần như là một gánh nặng rất lớn cho ngành y tế. 

Đặc biệt, một số tỉnh thành như tại Đồng Tháp, tỷ lệ bệnh nhân nặng đòi hỏi hỗ trợ thở ôxy, thở máy chức năng cao, ECMO ngày càng tăng. Số lượng máy thở tại một số địa phương vượt quá khả năng đáp ứng.

Liên quan đến công tác điều trị PGS.TS Lương Ngọc Khuê , Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết trên cơ sở phân tích hơn 9.400 bệnh nhân CVOID-19 trên tổng số hơn 32.000 bệnh nhân đang điều trị tại đợt dịch lần này, tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ vẫn chiếm trên 80%; số ca thở oxy gọng kính chỉ chiếm 5,3%; thở máy không xâm nhập chiếm 0,17%; thở máy xâm nhập 1,3% và can thiệp ECMO là 0,2%.

Chỉ có 10-20% bệnh nhân từ trung bình diễn biến nặng. Tuy nhiên do số lượng ca mắc mới hàng ngày đông nên con số này tăng nhanh. Vì vậy các cơ sở y tế phải chuyển từ bị động sang chủ động.

Theo thông tin từ Trung tâm Báo chí TP HCM, chỉ trong thời gian từ ngày 7/6 đến 15/7, thành phố đã ghi nhận 144 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong. 

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết virus SARS-CoV-2 chủng Delta đã khiến số bệnh nhân COVID-19 tử vong gia tăng trong thời gian qua do khả năng gây ra biến chứng nặng rất nhanh và mức độ nặng rất cao của biến chủng này, theo Sức khoẻ và Đời sống. 

Các trường hợp tử vong vừa qua đa số là người lớn tuổi, người có bệnh lý nền nhưng cũng có một vài trường hợp trẻ hơn (xoay quanh nhóm 60 tuổi). Tỷ lệ tử vong ở TP HCM khoảng 0,75% so với thế giới là 2%. 

Ngành y tế thành phố đang cố gắng kéo giãn tỷ lệ này bằng việc thiết lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp 4 tầng, trong đó có Bệnh viện Hồi sức COVID-19 điều trị cho các bệnh nhân nặng.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết ngành y tế TP HCM đang mở rộng các bệnh viện dã chiến đồng thời chuyển đổi công năng của các bệnh viện, số giường bệnh hiện có là 20.000 giường. Bên cạnh đó, Sở Y tế có kế hoạch mở thêm cơ sở điều trị, nâng công suất lên 50.000 giường.

Về nhân lực, ngành y tế đang tiếp nhận nguồn nhân lực với số lượng huy động là 10.000 người. Với các giải pháp trên, Bác sĩ Nam chia sẻ: "Nếu toàn dân đồng lòng thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Chính phủ thì thành phố có niềm tin sớm khống chế được dịch bệnh.".

Như Ngọc