BIDV, VietinBank, Vietcombank, khi thời gian không đợi
Nó thuộc tầm cao hơn: quan điểm, thực tế và ứng xử của vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, mà cả ba ngân hàng trên đang ở thế mắc kẹt.
Giả dụ cả ba “ông lớn” ngân hàng trên là những công ty đại chúng, Nhà nước không chi phối, thì các kế hoạch của họ có linh hoạt hơn, chủ động hơn để cải thiện điều kiện kinh doanh, chủ động nắm bắt cơ hội hơn không? |
Kẹt đường tăng vốn
Có nguồn tin bên lề đặt ra tình huống, có thể tại đại hội tới BIDV sẽ xin hạ chỉ tiêu kinh doanh năm nay. Đến đại hội rồi sẽ rõ. Còn nếu tình huống đó xẩy ra, thì cũng là… bình thường.
Đã gần 6 tháng trôi qua, kế hoạch tăng vốn của BIDV, cũng như của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) vẫn kẹt cứng ở các cửa phê chuẩn. Như nhiều thông tin phản ánh thời gian qua, nguyên do vẫn là câu chuyện cổ tức và ngân sách, cổ tức bằng tiền chứ không bằng cổ phiếu, khi cổ đông lớn là Nhà nước.
Trở lại với tình huống trên, nếu BIDV xin hạ chỉ tiêu kinh doanh, có thể do nhiều nguyên do, nhưng liên quan có phần chuyện tăng vốn. Kế hoạch tăng vốn kẹt, các chỉ số an toàn bị ảnh hưởng, không thể mở rộng kinh doanh, lợi nhuận có phần bị kìm hãm.
Nếu hạ chỉ tiêu lợi nhuận, cổ tức năm tới sẽ giảm, phần nộp ngân sách Nhà nước cũng giảm. Cái thiệt ở tương lai gần được thấy trước. Nếu Nhà nước để lại vốn ở đây, cổ tức tương lai là một khoản đầu tư sinh lời. Cả BIDV và VietinBank những năm qua đều trả từ 10-12%, cao hơn nhiều so với lãi gửi tiết kiệm.
Hồi giữa năm, BIDV cũng đã công bố bản phân tích dài về những ảnh hưởng và so sánh trên. Đại ý, khi kẹt đường tăng vốn, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng như thế nào; lượng tín dụng bơm ra hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế bị hạn chế ra sao, thậm chí lượng hóa cả phần GDP liên quan…
Tương tự, kế hoạch tăng vốn của VietinBank cũng đang dẫm chân tại chỗ. Lãnh đạo ngân hàng này cho VnEconomy biết, họ đang tính giải pháp khác, có tính đột phá, đang chuẩn bị trình Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, kỳ vọng sẽ được chấp thuận.
Cũng riêng tại VietinBank, tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã giảm đến giới hạn, nên tình thế càng khó hơn.
Rồi đến Vietcombank, sau gần nửa năm với vài chục cuộc đàm phán với đối tác, tốn kém nhiều thời gian và chi phí để chốt được bản thỏa thuận về đầu tư, kế hoạch tăng vốn vẫn có thể bất thành. Các cấp thẩm quyền vẫn chưa phê duyệt, mà thời gian thì không chờ đợi ai cả.
Gánh nặng trách nhiệm
Cũng như bao kế hoạch đầu tư khác, thỏa thuận giữa Vietcombank với GIC (quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore) không phải là vô thời hạn. Hay, GIC không ngồi chờ cho đến khi kế hoạch bán vốn của Vietcombank được các cấp sở tại phê duyệt.
Tháng 10 sắp trôi qua, thỏa thuận đó càng đến gần hạn cuối hết hiệu lực. Nếu không được phê duyệt, đến lượt Vietcombank có nguy cơ vỡ kế hoạch tăng vốn năm nay.
Đầu tháng 9 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Singapore, kế hoạch bán vốn cho GIC của Vietcombank tưởng như đã chốt lại thành công, với bản thỏa thuận được ký kết. Thế nhưng, cho đến nay, thỏa thuận gần hết hiệu lực nhưng chưa có sự phê duyệt của các cấp.
Nguyên do, theo tìm hiểu của VnEconomy, vướng mắc vẫn là về giá bán, gánh nặng trách nhiệm phê duyệt trở nên nặng nề khi Vietcombank là tài sản lớn của Nhà nước. Trong khi đó, thị trường vẫn tiếp tục “trêu ngươi” kế hoạch này.
Chuyện như đùa, giá cổ phiếu tăng cao, doanh nghiệp càng lo. Một năm về trước, lãnh đạo Vietcombank từng trù tính, giá cổ phiếu càng lên cao sẽ càng khó bán, khó tìm được đối tác để bán theo lô lớn; kế hoạch tăng vốn nâng cao năng lực tài chính càng khó thực hiện.
Đến nay, lo xa trên đã rõ. Trước thềm đàm phán với GIC, giá bán ở khoảng 39.000 đồng, thị giá trên sàn chỉ khoảng 41.000 đồng. Nhưng ngay sau đó giá cổ phiếu VCB của Vietcombank liên tục bùng nổ, một phần theo xu hướng chung của thị trường, vọt lên tới trên 57.000 đồng.
Ký thỏa thuận với GIC xong, Vietcombank thực hiện trả cổ tức và chính sách cổ phiếu thưởng, giá cổ phiếu điều chỉnh. Nhưng nó vẫn “không chịu” giảm sâu để về gần với giá thỏa thuận bán cho đối tác (khoảng 37.000 đồng so với khoảng 28.000 đồng).
Khi đã niêm yết, giá cổ phiếu trên sàn (dù chịu tác động từ nhiều yếu tố ngoài nội tại doanh nghiệp, thường xuyên có sóng sánh…) vẫn là một mốc tham khảo. Chênh so với giá bán cho đối tác nước ngoài lớn càng đè nặng lên vấn đề trách nhiệm với giá trị tài sản Nhà nước khi bán.
Vietcombank đang vướng ở gánh nặng trách nhiệm đó, dù nhà tư vấn Credit Suisse đã phân tích mọi nhẽ, mọi khía cạnh so sánh kỹ thuật để thuyết phục rằng giá bán cho GIC là có lợi, được giá.
Thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, Vietcombank cũng là ngân hàng Việt nam duy nhất được nhà đầu tư nước ngoài chào mức giá cao như vậy (xét theo hình thức bán lô lớn). Bản thân ngân hàng này cũng đã tìm kiếm, lựa chọn và GIC là khả dĩ nhất.
Nhưng, vướng mắc hiện nay có lẽ vẫn là liệu bán được như vậy thì tài sản Nhà nước tại Vietcombank có bị “bán rẻ” không, có cách nào để bán được lượng lớn như vậy với giá cao hơn không…?
Nhà nước quyết định những câu hỏi đó, duyệt hoặc không duyệt kế hoạch bán cho GIC. Còn đến nay, kế hoạch tăng vốn của Vietcombank vẫn kẹt đó. Đối tác hiện có là Mizuho cũng chưa thể bỏ thêm tiền để tham gia đợt tăng vốn này.
Thời gian không đợi
Mọi bước cần thiết đã làm, có lẽ hiện nay Vietcombank chỉ biết chờ đợi. Một thực tế là, khi chưa tăng được vốn, hệ số an toàn vốn (CAR) không cải thiện, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phải giữ nguyên 17% chứ không thể nới lên 20%, thậm chí 25% như những năm trước. Tín dụng không được mở rộng hơn, lợi nhuận khó tăng cao hơn nữa, cổ tức và nộp ngân sách cũng khó nâng cao.
Khó khăn trên có thể sẽ lại tiếp tục níu kéo sang năm tới… Cả Vietcombank, BIDV và VietinBank hiện nay đều vướng ở điểm chung đó.
Vậy khi họ dư thừa vốn mà không mở rộng được tín dụng thì sao? Một là giảm lãi suất huy động đầu vào để cân đối, hai là tiếp tục nhồi vào trái phiếu Chính phủ (với hệ số rủi ro bằng 0% và không ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số an toàn vốn). Năm nay, Chính phủ đang được mùa vàng đi vay qua kênh phát hành trái phiếu nội địa.
Đặt trong một tình huống khác: giả dụ cả ba “ông lớn” ngân hàng trên là những công ty đại chúng, Nhà nước không chi phối, thì các kế hoạch của họ có linh hoạt hơn, chủ động hơn để cải thiện điều kiện kinh doanh, chủ động nắm bắt cơ hội hơn không?
Không liên quan, nhưng có một câu trả lời khác rằng: lộ trình thực hiện những chuẩn mực quốc tế cao hơn, với Basel 2, của hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ bị “delay” khi các kế hoạch kẹt lại mà thời gian thì không đợi.
Theo Minh Đức