Bia Sài Gòn chưa nộp 2.500 tỉ, ai chịu trách nhiệm?
Bia Sài Gòn để 1.000 tỉ ‘nằm im’, đầu tư lỗ gần 445 tỉ | |
Công ty tỉ phú Thái 'đòi' bổ sung nhân sự khẩn cấp vào bia Sài Gòn |
Các bên liên quan đang có sự bất đồng khá gay gắt xung quanh khoản nợ gần 2.500 tỉ đồng của Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB).
Sabeco: “Chưa phù hợp Luật Doanh nghiệp”
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, căn cứ vào tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Sabeco vào thời điểm 31-12-2016 là 89,59%, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị công ty này nộp ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước là gần 2.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, công văn phản hồi vừa gửi Kiểm toán Nhà nước do ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco, ký đã không đồng tình với kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, về khoản lợi nhuận 2.495 tỉ đồng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị phải nộp về ngân sách, Sabeco cho rằng: Nhà nước đã thực hiện thoái vốn 53,59% cho cổ đông lớn nhất là Thai Bev mà đại diện là Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị gần 5 tỉ USD ngày 18-12-2017. Vì vậy, tỉ lệ sở hữu nhà nước tại Sabeco tại thời điểm 28-12-2017 chỉ còn hơn 36%.
“Do vậy việc phân chia hết lợi nhuận đến ngày 31-12-2016 cho cổ đông nhà nước với tỉ lệ 89,589% theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì chúng tôi không có cơ sở để thực hiện ngay, mà phải chốt danh sách cổ đông theo quy định luật pháp hiện hành” - Sabeco cho rằng quy định đó là Điều 132 của Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2014.
Lý giải rõ hơn, Sabeco nói việc phân phối lợi nhuận thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật DN và điều lệ công ty. Sabeco muốn phân phối lợi nhuận phải chốt danh sách cổ đông và thời gian trả cổ tức. Sau khi chốt danh sách thì Sabeco triệu tập đại hội đồng cổ đông hoặc xin ý kiến bằng văn bản về thời gian chia và tỉ lệ chia cổ tức. Cuối cùng, sau khi có ý kiến chấp thuận của cổ đông, Sabeco sẽ ban hành nghị quyết về cổ tức và thời gian chi trả.
Tỉ phú Thái Lan đã chi gần 5 tỉ USD để nắm cổ phần chi phối tại Bia Sài Gòn nhưng món nợ cũ của tổng công ty này vẫn chưa trả xong. Ảnh: TÚ UYÊN |
Từ lý lẽ đó, Sabeco cho rằng: Yêu cầu Sabeco phải nộp ngân sách nhà nước 2.495 tỉ đồng của Kiểm toán Nhà nước là chưa phù hợp với Luật DN và điều lệ của Sabeco cũng như các văn bản pháp luật khác.
“Sabeco chưa chốt danh sách cổ đông nên chưa xác định được số lượng cổ đông, mức chia cổ tức, tỉ lệ các cổ đông để xin ý kiến và làm thủ tục chi trả. Xin nhấn mạnh là việc phân phối cổ tức cho các cổ đông theo tỉ lệ nào phải căn cứ vào kết quả chốt danh sách cổ đông vào thời điểm dự kiến chia cổ tức”, văn bản do ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco, ký nêu rõ.
Mặt khác, Sabeco nêu rõ ngày 27-12-2017, Bộ Công Thương đã thoái vốn khỏi Sabeco, nhà đầu tư đã chuyển gần 110.000 tỉ đồng để sở hữu 53,59% vốn điều lệ và Bộ Công Thương chỉ còn nắm hơn 36%. Thêm nữa, trong quá trình thoái vốn, Bộ Công Thương đã lập tổ giám sát, trong đó có cả đại diện Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước…
Kiểm toán Nhà nước: “Họ phải thực hiện”
Trao đổi với phóng viên về những giải trình của Sabeco, một lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước cho rằng: Tất cả lý lẽ của Sabeco đưa ra đều có lý và lẽ ra họ phải thực hiện điều đó trước khi Bộ Công Thương thực hiện thoái vốn ngày 27-12-2017.
“Mặt khác, lẽ ra Bộ Công Thương phải thúc đẩy quá trình này tốt hơn để không xảy ra thất thoát tiền của cổ đông nhà nước” - vị lãnh đạo này nêu quan điểm.
Trong khi đó, sau khi nhận được văn bản giải trình của Sabeco, ông Nguyễn Tuấn Anh, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực IV, đã có báo cáo về vấn đề này. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước khu vực IV cho rằng căn cứ vào Nghị định 99/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DN nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào DN thì Bộ Công Thương và Sabeco không thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước trước thời điểm thoái vốn ngày 27-12-2017. Bởi nghị định nói trên đã quy định: Chủ sở hữu nhà nước giao nhiệm vụ cho người đại diện quyết định “báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ, mức cổ tức hằng năm”. Cũng nghị định này đã quy định quyền, trách nhiệm của bộ quản lý ngành… đối với các DN chuyển đổi, cổ phần hóa.
Về ý kiến của Sabeco cho rằng: Ngày 27-12-2017, Bộ Công Thương đã thoái vốn khỏi Sabeco, nhà đầu tư đã chuyển gần 110.000 tỉ đồng để sở hữu 53,59% vốn điều lệ và Bộ Công Thương chỉ còn nắm hơn 36%, Kiểm toán Nhà nước cho hay: “Tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tại công ty mẹ Sabeco thì Nhà nước chưa thoái 53,59% vốn điều lệ. Chính vì vậy, theo Kiểm toán Nhà nước, khi đó Nhà nước vẫn giữ 89,59% vốn điều lệ của Sabeco”.
Từ phân tích trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Sabeco nộp cổ tức chia cho cổ đông Nhà nước vào ngân sách nhà nước từ lợi nhuận còn lại của năm 2016 trở về trước theo tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ 89,59% là phù hợp với thực tế và thời điểm thực hiện kiểm toán.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết đã và đang chỉ đạo Sabeco thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước, đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ rà soát, làm rõ các nội dung báo cáo các cấp có thẩm quyền. Sau khi các cấp có thẩm quyền kết luận chính thức về vấn đề này, Bộ Công Thương sẽ công khai thông tin.
Bộ Tài chính hối thúc trả nợLiên quan đến khoản nợ của Sabeco, Bộ Tài chính đã có công văn do Thứ trưởng Trần Văn Hiếu gửi Bộ Công Thương để đốc thúc. Theo Bộ Tài chính, Luật Kiểm toán 2015 đã quy định: Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng là cơ sở để Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco có ý kiến với Sabeco kịp thời chấn chỉnh các sai phạm tại Sabeco mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra. Đồng thời, khẩn trương nộp vào ngân sách nhà nước các khoản mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra. Thời hạn mà Bộ Tài chính yêu cầu báo cáo kết quả về Cục Tài chính DN thuộc bộ này là trước ngày 30-4. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/