Bí thư tỉnh Kiên Giang nói về tình hình giao dịch đất đai tại Phú Quốc
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về thông tin có hiện tượng giao dịch đất "ngầm" không kiểm soát được trên địa bàn huyện Phú Quốc (nơi dự kiến sẽ xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) trong tương lai, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cho biết, lãnh đạo tỉnh đang tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc.
Tỉnh Kiên Giang đã rà soát, kiểm soát các diện tích đất chuyển đổi mục đích sao cho đúng quy hoạch, không cho phép đất đang sử dụng mục đích này mà chuyển sang mục đích khác.
Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị (Ảnh: KT).
Chuyển đổi mục đích phải đúng quy hoạch
Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, đồng thời kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng quy định và tiếp tục rà soát trình tự, thủ tục việc thực hiện cấp loại giấy này.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, trên thực tế tình hình đất đai ở Phú Quốc hiện có chuyển biến tốt. Tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo chính thức gửi Thanh tra Chính phủ.
Về biện pháp quản lý của địa phương, ông Lê Thanh Nghị nhấn mạnh: "Chúng tôi đã công khai quy hoạch, khuyến cáo cho người dân biết các giao dịch không đúng quy định pháp luật... Chuyển đổi mục đích cũng phải đúng quy hoạch, đang quy hoạch mà chuyển sang mục đích khác là không được".
Theo phản ánh của một số đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), trên thực tế, người dân ở 3 đặc khu trong tương lai (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) dùng rất nhiều biện pháp để giao dịch "ngầm", có cả việc ủy quyền cho người mua. Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có những cơ chế, quy chế đặc biệt đối với các đặc khu, thậm chí Quốc hội phải ban hành một nghị quyết để quy định mang tính đặc thù để quản lý đất đai khu vực này.
Người dân cần thận trọng khi giao dịch đất đai tại Phú Quốc. (Ảnh minh họa: Zing)
"Sốt đất" là vấn đề đương nhiên?
Nội dung này đã được Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội trước băn khoăn của một số đại biểu về tình hình "sốt đất" ở đặc khu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, vấn đề "sốt đất" là đương nhiên, nhưng vấn đề chủ yếu, vấn đề nghiêm trọng, đó là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Quochoi.vn)
Ông Hà cho hay, hoạt động này giao dịch ngầm và không đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc quản lý, cơ quan quản lý, năng lực quản lý và tính nhạy cảm trong vấn đề này để kiểm soát và kiểm tra xử lý thì vẫn chưa kịp thời.
"Chúng ta phải thông báo cho các bên, nếu các quy định giao dịch trái pháp luật thì trong trường hợp đó, khi chúng ta quy hoạch, đầu tư, đền bù thì sẽ áp dụng các biện pháp đảm bảo sự công bằng, để cho những nhà đầu cơ không có đất để vào đây", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo ông Trần Hồng Hà, phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, đặc biệt thời điểm này các địa phương phải tập trung xem lại các hồ sơ đất đai để quản lý được hiện trạng đất đai.
"Từ quản lý hiện trạng đất đai, khi tính toán đền bù cho người dân thì hoàn toàn có thể đảm bảo được công bằng và người xứng đáng được đền bù, người đã cống hiến, đóng góp khai hoang miền đất đấy xứng đáng được hưởng. Người đầu cơ là chúng ta sẽ kiên quyết có biện pháp để người ta không có cơ hội trong các phi vụ về đất đai này", ông Hà lưu ý.