|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bí quyết đầu tư khi thị trường đảo điên trong thời chiến

12:57 | 14/03/2022
Chia sẻ
Nhà đầu tư cần lòng dũng cảm để đương đầu với thị trường khi thế giới đứng trước bờ vực chiến tranh.
Bí quyết đầu tư trong thị trường đảo điên thời chiến - Ảnh 1.

(Hình minh họa: Getty Images, iStock).

Hành động của huyền thoại đầu tư

Mùa thu năm 1939, quân đội của trùm phát xít Adolf Hitler tràn vào Ba Lan và kéo thế giới vào cuộc chiến tranh đẫm máu nhất lịch sử. 

Ngay lúc đó, một chàng trai trẻ đến từ bang Tennessee yêu cầu nhân viên môi giới mua 100 USD cổ phiếu tất cả các mã niêm yết trên sàn chứng khoán lớn của Mỹ đang được giao dịch với giá dưới 1 USD/cp.

Nhân viên môi giới báo lại rằng ông ta đã mua cổ phiếu những công ty giao dịch dưới giá 1 USD/cp mà chưa bị phá sản. Vị khách hàng kêu lên: "Không, không. Tôi muốn tất cả. Mua cổ phiếu mọi công ty dù chúng phá sản hay không".

Rốt cuộc ông đã có cổ phần trong 104 công ty, 34 trong số đó trong tình trạng phá sản. Tên của vị khách là John Templeton. Ở độ tuổi 26, ông phải vay 10.000 USD – tương đương 200.000 USD ngày nay – để hiện thực hóa lòng dũng cảm của mình.

Vào tháng 12/1989, phóng viên của Wall Street Journal hỏi rằng ông có cảm nhận gì khi mua số cổ phiếu đó vào năm 1939.

Ông Templeton trả lời: "Tôi coi nỗi sợ của mình là tín hiệu cho thấy tình hình khốc liệt đến đâu. Tôi không chắc mọi chuyện sẽ không xấu đi và trên thực tế nỗi lo đó đã thành hiện thực".

"Nhưng tôi khá chắc rằng lúc đó chúng ta đang rất gần tới mức bi quan tối đa. Và nếu tình hình xấu hơn nhiều thì nền văn minh sẽ không thể sống sót – và tôi không cho rằng Chúa sẽ cho phép điều đó sẽ xảy ra".

Năm tiếp theo, Pháp thất thủ. Năm 1941, trận Trân Châu Cảng diễn ra. Đến 1942, Đức Quốc xã đã ở trên đất Liên Xô. Ông Templeton giữ vững niềm tin. Cuối cùng ông bán ra vào năm 1944, sau 5 năm đáng sợ bậc nhất trong lịch sử hiện đại. Ông kiếm lãi được từ 100 trong số 104 cổ phiếu, nhân tiền lên hơn gấp 4.

Ông Templeton sau này trở thành một trong những nhà quản lý tài sản thành công nhất mọi thời đại. Cách ông định vị danh mục để chuẩn bị cho thế giới ngập trong chiến trận là lời nhắc nhở rằng những nhà đầu tư vĩ đại sở hữu 7 đức tính: Tò mò, hoài nghi, kỷ luật, độc lập, khiêm tốn, kiên nhẫn – và trên hết là lòng dũng cảm.

Hai kiểu dũng cảm

Sẽ là vô lý và ngớ ngẩn khi nói rằng đầu tư cần lòng dũng cảm giống như người Ukraine đang chiến đấu để bảo vệ quê hương. Nhưng trong phần lớn thập kỷ qua việc đầu tư gần như không đòi hỏi chút dũng cảm nào và điều này có thể đang thay đổi.

Trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ tăng 7,9%, mức cao nhất kể từ năm 1982 và các đại gia ngành năng lượng lo sợ giá dầu có thể lên tới 200 USD/thùng trong năm nay.

Bí quyết đầu tư khi thị trường đảo điên trong thời chiến - Ảnh 3.

Đầu tháng 3, ông Peter Berezin, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại BCA Research xác định xác suất xảy ra "chiến tranh hạt nhân chấm dứt nền văn minh nhân loại" trong năm tới "ở mức cao một cách đáng ngại là 10%".

Dấu hiệu khác của sự bi quan hiện ra trên diễn đàn đầu tư Bogleheads của mạng xã hội Reddit. Một người dùng 22 tuổi ai oán: "Tôi không thể ngừng suy nghĩ rằng đến lúc tôi 60 tuổi liệu Trái đất có còn là nơi sống được hay không? Liệu tôi có nên dùng tiền tiết kiệm nghỉ hưu cho việc khác và 'sống cho hiện tại'"?

Nhưng chỉ số S&P 500 mới giảm chưa tới 1% kể từ 24/2, ngày Nga mở màn cuộc tấn công. Trong cùng khoảng thời gian đó, hơn 770 triệu USD đã được đổ vào quỹ ARK Innovation của nhà đầu tư trường phái tăng trưởng Cathie Wood, theo FactSet.

Đây là một mô hình quen thuộc. Ngày 26/10/1962, gần đỉnh điểm khủng hoảng tên lửa Cuba, Wall Street Journal đăng rằng: "Nếu khủng hoảng Cuba không dẫn đến chiến tranh hạt nhân thì nó có thể đem lại cho nền kinh tế Mỹ cú thúc bất ngờ và thậm chí có thể giúp trì hoãn suy thoái".  

Bí quyết đầu tư khi thị trường đảo điên trong thời chiến - Ảnh 4.

Từ lúc căng thẳng leo thang vào giữa tháng 10/1962 đến ngày 26, chứng khoán Mỹ chỉ giảm 7% ngay cả khi thế giới tiến đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Nhưng đó cũng là thời điểm đầu tư sắp bắt đầu giai đoạn đen tối, thị trường lao dốc và lạm phát tung hoành. Theo Morningstar, nếu bạn đầu tư 1.000 USD vào cổ phiếu lớn của Mỹ vào đầu 1966 thì đến 1974 chúng chỉ đáng giá chưa tới 580 USD sau khi tính tới ảnh hưởng của lạm phát. Bạn sẽ phải gồng lỗ cho đến tận cuối năm 1982.

Thực tế trên cho thấy hai điều.

Thứ nhất, hoảng hồn trước hiểm họa rõ rệt như chiến tranh hạt nhân có thể khiến nhà đầu tư mù quáng trước những mối nguy ngấm ngầm nhưng nhiều khả năng hơn, ví dụ như sự tàn phá của lạm phát.  

Thứ hai, nhà đầu tư không chỉ cần lòng dũng cảm để hành động, mà còn cần sự quả cảm để không hành động – để chống cự. Đầu thập niên 1980, vô số nhà đầu tư từ bỏ cổ phiếu, nhưng nhiều người khác xiêu lòng trước những lời quảng bá của các công ty môi giới. Họ bỏ tiền vào các công ty trách nhiệm hữu hạn và những khoản đầu tư "thay thế" khác để rồi của cải bị xóa sổ.

Nếu cho rằng lao đầu mua cổ phiếu năng lượng vào thời điểm này là dũng cảm, thì bạn đang tự lừa dối mình. Hành động này chỉ có thể coi là dũng cảm khi được thực hiện vào tháng 4/2020, khi giá dầu rớt xuống mức âm. Giờ thì mua cổ phiếu năng lượng là chiến lược mà ai cũng làm. Dũng cảm là dám làm điều khó chứ không phải điều dễ dàng.

Ông William Bernstein, nhà đầu tư và sử học tài chính của công ty tư vấn Efficient Frontier Advisors nói thực hiện khoản đầu tư dũng cảm "mang lại cho bạn cảm giác khủng khiếp trong bụng khi sợ rằng mình đang ném tiền vào thứ tệ hại".

Bạn có thể khá chắc rằng mình đang thể hiện sự dũng cảm với tư cách là một nhà đầu tư khi bạn lắng nghe những gì trực giác mách bảo — và sau đó làm ngược lại.

Giang