Bị nghi ngờ số CPI không phản ánh sát thực tế, Tổng cục Thống kê nói gì?
Bị nghi con số CPI không phản ánh đúng thực tế dù giá cả tăng nhưng con số vẫn "đẹp như mơ", sáng 19/6, tại Toạ đàm Số liệu thống kê và truyền thông chính sách,bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê (TCTK) cho hay, đối với người làm thống kê không có số đẹp hay xấu chỉ có con số phản ánh trung thực.
"Những người làm thống kê hiểu rất rõ, cố tình bóp méo số liệu đó là có tội với nhân dân bởi con số thống kê sẽ ảnh hưởng đến quyết sách kinh tế xã hội", bà Oanh nói.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ thống kê giá con số thống kê nhất là ước tính không thể chính xác đến từng đồng mà phản ánh xu hướng. Với chỉ số CPI, trong 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 3,55% đúng là mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng 3,77% chủ yếu là do giá gạo tăng theo giá xuất khẩu, giá rau tăng 3,39%, giá thịt lợn tăng hơn 1% còn thịt gà tăng 4.58%.
Bà Oanh cũng cho biết thêm, năm nay thời tiết thuận lợi nên nguồn cung các mặt hàng thực phẩm dồi dào, trong khi nguồn cung không tăng cao khiến giá lương thực thực phẩm tăng không cao.
Vụ trưởng Vụ thống kê giá, TCTK khẳng định, phương pháp tính CPI cũng áp dụng theo đúng hướng dẫn của các tổ chức quốc tế. Trong quá trình thực hiện cũng như điều tra, tính toán chỉ số giá tiêu dùng luôn có sự đồng hành của các tổ chức quốc tế như IMF hay ADB.
Do đó, về mặt phương pháp luận có thể yên tâm rằng TCTK thực hiện đúng phương pháp theo các tổ chức quốc tế và đảm bảo tính so sánh với quốc tế. Hiện nay, tổng số mặt hàng trong rổ hàng hoá là 752 mặt hàng, không bao gồm vàng và USD.
Sau đó căn cứ vào rổ hàng hoá này, TCTK sẽ xây dựng danh mục hàng hoá cho từng địa phương và mạng lưới điều tra. Mạng lưới đó là các cửa hàng, siêu thị các trung tâm thương mại, các cửa hàng bán lẻ và bên cạnh đó phải xác định cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các món trong rổ hàng hoá, chỉ số này được gọi là quyền số.
Quyền số các mặt hàng được tính toán dựa trên cuộc khảo sát mức sống dân cư được thực hiện trên 63 tỉnh thành chia làm 4 đợt/năm để loại bỏ tính mùa vụ.
Hàng tháng 63 địa phương với hơn 2.000 điều tra viên sẽ tiến hành điều tra ở hơn 40.000 điểm điều tra giá, thực hiện 3 lần/tháng.
Với CPI, đây cũng là cuộc điều tra đầu tiên ngành thống kê ứng dụng thiết bị điện tử bằng điện thoại thông minh (điều tra bằng công nghệ CAPI). Trong thời gian tới, TCTK sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn việc điều tra, bà Oanh nói.
Sau khi có kết quả điều tra, Cục Điều tra giá sẽ tính CPI gồm có 11 nhóm hàng cấp 1, 32 nhóm hàng cấp 2, 86 nhóm hàng cấp 3 và 290 nhóm hàng cấp 4.
Bà Oanh cũng cho biết thêm, để chuẩn bị cho giai đoạn mới về tính giá tiêu dùng giai đoạn 2025-2030 thì ngay từ năm nay TCTK đã phải chuẩn bị các nhiệm vụ liên quan đến việc rà soát mặt hàng, xây dựng quá trình điều tra mới.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cũng chia sẻ thêm, hành vi tiêu dùng người dân cũng có sự thay đổi từ việc chi nhiều cho lương thực, thực phẩm sang chi nhiều cho vui chơi giải trí hay các dịch vụ khác.
Chỉ số CPI cũng nhấn mạnh, hơn 750 mặt hàng trong rổ hàng hoá được thống kê từ 63 tỉnh thành đều được cập nhật trên phần mềm qua điện thoại di động để cập nhật nhanh theo công nghệ CAPI. Dữ liệu này cập nhật thường xuyên và theo tỉnh thành, có những mặt hàng giá cả ở địa phương này cao nhưng ở tỉnh khác lại thấp.
Vì vậy, đây không phải con số chính xác như con số kế toán mà là mẫu lớn và phản ánh xu hướng chính, bà Hương cho biết.