Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) muốn chào bán 26 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp, đổi phương án trả cổ tức
HĐQT CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã: TNH) vừa có thư mời họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, dự kiến diễn ra ngày 10/10.
Theo tờ trình, TNH sẽ sửa đổi, bổ sung phương án trả cổ tức năm 2021 được ĐHĐCĐ thông qua ngày 20/5. Công ty dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% thay cho phương án trả cổ tức gồm 5% tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.
TNH dự kiến phát hành hơn 15,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2021.
Nguồn vốn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế đến ngày 31/12/2021. Thời gian dự kiến phát hành từ quý III/2022 đến quý IV/2022.
Ngoài ra, công ty sẽ trình ĐHĐCĐ dừng thực hiện phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động được thông qua ngày 20/5/2012.
Lý do được đưa ra là chưa thống nhất được với một số đối tác liên quan, phương án phát hành chưa được triển khai.
Thay vào đó, TNH sẽ triển khai phương án chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán gần 26 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, nghĩa là cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ có 1 quyền mua.
Giá bán là 20.000 đồng/cổ phiếu, bằng một nửa giá đang niêm yết (10.000 đồng/cổ phiếu). Tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu của đợt chào bán là 70%. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý IV/2022 đến quý I, II/2023.
Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là gần 519 tỷ đồng. Với số tiền trên, TNH dùng 300 tỷ đầu tư Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên, gần 31 tỷ đồng để mua thiết bị, máy móc cho Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, 178 tỷ đồng dùng để trả nợ các tổ chức tín dụng.
TNH cũng dự định trình cổ đông phương án phát hành 2,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) trong năm 2022 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 hoặc quý I/2023. Toàn bộ số tiền TNH thu về (25 tỷ đồng) sẽ dùng để trả nợ ngân hàng BIDV, chi nhánh Thái Nguyên.
Đầu tháng 9, HĐQT TNH thông qua việc vay vốn của các thành viên HĐQT để trả nợ trái phiếu đã phát hành năm 2020. Tổng số tiền vay từ các thành viên HĐQT để trả nợ trái phiếu đã phát hành năm 2020 là hơn 92 tỷ đồng. Thời hạn vay là 12 tháng. Lãi suất vay bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của BIDV (áp dụng vào ngày 1/9/2022).
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên, tính đến ngày 30/6, TNH có tổng nợ phải trả hơn 491 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay 452 tỷ đồng gồm 214 tỷ vay ngắn hạn và 246 tỷ vay dài hạn.
Tổng số tiền vay nợ từ các ngân hàng của TNH gần 360 tỷ đồng và 92 tỷ là dư nợ trái phiếu. Khoản vay trái phiếu này có lãi suất danh nghĩa 12%/năm, là trái phiếu riêng lẻ được phát hành năm 2020.
Đáng lưu ý, nợ ngắn hạn của TNH đang vượt tài sản ngắn hạn 54 tỷ đồng tại ngày 30/6. Cuối quý II, doanh nghiệp có 119 tỷ đồng tiền mặt.
Tại ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của TNH gần 835 tỷ đồng, bao gồm vốn góp gần 519 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 316 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, quý II, TNH ghi nhận doanh thu thuần gần 119 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 38 tỷ đồng, tăng lần lượt 9,17% và 8,57% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt gần 208 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 54 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt là 12,43% và 8% so với nửa đầu năm ngoái.
Năm 2022, TNH lên kế hoạch doanh thu là 433 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 150 tỷ đồng. Với kết quả trên, TNH đã thực hiện 48% kế hoạch về doanh thu và 36% mục tiêu về lợi nhuận.