Bệnh dịch ở Pháp có dấu hiệu sắp đạt đỉnh
Để chuẩn bị cho việc kéo dài thời hạn phong tỏa lần thứ hai, Chính phủ Pháp đang xem xét việc bổ sung các biện pháp để dập dịch và chuẩn bị khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội.
Theo Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon, tổng số tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới 13.197 trong đó có 8.598 trường hợp ở bệnh viện và 4.599 trường hợp ở các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế-xã hội.
Trong số này có một trường hợp 10 tuổi nhưng có nhiều nguyên nhân. Hiện có 7.004 bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt, tiếp tục giảm thêm 62 trường hợp so với ngày hôm trước, gồm 61% từ 60-80 tuổi, 34% dưới 60 tuổi và 98 bệnh nhân dưới 30 tuổi.
Nhận định về tình hình bệnh dịch, ông Jérôme Salomon cho rằng các chỉ số trong mấy ngày qua như bệnh nhân nặng giảm, số tử vong và nhiễm tăng rất cao, cho thấy dịch bắt đầu tiến tới đỉnh. Vì vậy, hệ thống y tế đang theo dõi sát sao các diễn biến để ứng phó kịp thời, nhất là ở những điểm nóng.
Nỗ lực giảm tải cho các bệnh viện ở vùng thủ đô Ile-de-France vẫn tiếp tục trong ngày 10-4 với 45 bệnh nhân được sơ tán bằng tàu cao tốc y tế tới vùng New Aquitaine ở phía tây nam. Kể từ ngày 1-4, gần 200 bệnh nhân nặng đã được chuyển tới các khu vực ít bị ảnh hưởng hơn. Hiện có hơn 2.500 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt ở vùng thủ đô, điểm nóng nhất về dịch bệnh ở Pháp.
Kênh truyền hình BFM dẫn ý kiến của đại diện Cơ quan Y tế khu vực, cho biết tại hơn 400 trong tổng số 700 nhà dưỡng lão ở vùng thủ đô (gần 60%) đã có ít nhất một trường hợp mắc COVID-19.
Virus corona đang lây lan rất nhanh ở các cơ sở này, nhất là trong đội ngũ nhân viên. Trước tình trạng báo động ở các cơ sở chăm sóc người có tuổi, đầu tuần này Chính phủ Pháp đã thông báo về chiến dịch sàng lọc nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho những người già yếu.
Cơ quan Y tế công cộng Pháp thông báo rằng có 6.019 nhân viên y tế ở bệnh viện và các cơ sở y tế - xã hội đã bị mắc COVID-19 trong đó có 15 trường hợp tử vong kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quân đội Pháp Florence Parly cho biết, có 369 trường hợp mắc COVID-19 trong các lực lượng vũ trang.
Trong số này có 50 ca nhiễm trên tàu sân bay Charles-de-Gaulle. Ba người ốm nặng đã được sơ tán bằng máy bay tới các nơi điều trị cách ly để tránh nguy cơ lây nhiễm rộng. Tình trạng sức khỏe của các thủy thủ trên tàu vẫn ổn định.
Sau khi phát hiện hàng chục trường hợp có triệu chứng giống bị mắc COVID-19, tàu sân bay Charles-de-Gaulle đã phải tạm ngừng hoạt động ở Biển Bắc để quay về nước sớm hơn dự kiến.
Cùng với việc tăng cường các biện pháp dập dịch, Chính phủ Pháp cũng đang nỗ lực đề ra các giải pháp để vực dậy nền kinh tế. Theo đó, một khoản 20 tỷ euro nữa sẽ được dự trù để giúp những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất duy trì lực lượng.
Đề cập đến vấn đề này, ngày 10-4, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire và Bộ trưởng Ngân sách Gérald Darmanin cho biết 100 tỷ euro sẽ được đưa vào dự toán ngân sách bổ sung của năm 2020 để trình Hội đồng Bộ trưởng vào tuần tới. Phần lớn gói hỗ trợ này là để giúp các doanh nghiệp tránh nguy cơ bị phá sản.
Bên cạnh đó, Chính phủ còn đứng ra bảo lãnh tới 1.000 tỷ euro tín dụng ngân hàng cho các công ty nhỏ và rất nhỏ, kể cả việc can thiệp để duy trì các doanh nghiệp quan trọng như Air France.
Ngân hàng Trung ương Pháp cũng như Bộ Kinh tế Pháp đã cảnh báo về mức suy giảm GDP tới 6% trong năm 2020 và nền kinh tế Pháp khó có thể hồi phục sớm. Với kế hoạch bổ sung tài chính sắp tới, thâm hụt ngân sách của Pháp có thể lên tới 7,6% GDP và nợ công có thể ở mức 112% GDP.
Ngày 13-4, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ công bố quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa cũng như các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả. Để chuẩn bị đưa ra các giải pháp cho thời gian tới, Tổng thống Pháp và Thủ tướng đã có hàng loạt chuyến đi khảo sát thực tế ở bệnh viện, trung tâm nghiên cứu, đồng thời chủ trì các cuộc tham vấn đại diện của các công đoàn và giới chủ.
Về sự hợp tác chống dịch giữa các nước trong khu vực, Điện Elysée ra thông báo cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron đã tham gia cuộc họp trực tuyến ngày 10-4 với lãnh đạo các nước EU, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu.
Nội dung tập trung vào thảo luận "các biện pháp cụ thể" nhằm khống chế bệnh dịch và vực dậy nền kinh tế khu vực sau khi Bộ trưởng Tài chính của 27 nước EU thống nhất việc huy động gói cứu trợ kinh tế có thể lên tới 540 tỷ euro.
Chính phủ Pháp đang rất thận trọng trong việc xem xét các giải pháp để vượt qua cuộc khủng hoảng bệnh dịch.
Kênh truyền hình BFM dẫn ý kiến của nhà dịch tế học Arnaud Fontanet, một thành viên của Hội đồng Khoa học được thành lập để tư vấn cho Chính phủ về dịch bệnh COVID-19, cho biết ưu tiên hiện nay vẫn là dồn sức dập dịch rồi mới quyết định khôi phục hoạt động trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội. Lý do là vì virus corona vẫn còn lây lan rất nguy hiểm, rất dễ bùng phát đợt thứ 2 nếu không có biện pháp hiệu quả.
Theo ông Arnaud Fontanet, vấn đề cốt yếu là phải phải có các biện pháp đủ mạnh để không cho loại virus này lây lan tiếp. Vì vậy, Hội đồng Khoa học đang xem xét khả năng áp dụng các biện pháp như ở một số nước châu Á để có thể làm ba việc cùng lúc: kiểm soát sự lây lan, khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội và phát triển vaccine phòng dịch.
Bệnh dịch ở các nước EU ở phía nam bắt đầu "giảm nhiệt," trong khi đó có dấu hiệu "tăng tốc" tại một số nước ở phía bắc như Bỉ và Hà Lan.
Số ca tử vong tới ngày 10-4 ở Bỉ đã vượt mốc 3.000 sau khi có thêm 496 trường hợp mới được xác nhận. Số tử vong tăng gấp ba lần trong hơn một tuần qua, chủ yếu là do thống kê chậm từ các nhà dưỡng lão với 171 ca được ghi nhận từ giữa đến cuối tháng 3. Số ca mắc COVID-19 cũng tăng liên tục trong nhiều ngày qua.
Thống kê ca nhiễm và tử vong ở Hà Lan cũng cho thấy bệnh dịch còn rất phức tạp. Hiện đã có hơn 23 nghin ca nhiễm và hơn 2.500 ca tử vong. Trong số đó, mới chỉ có 250 người được chữa khỏi và xuất viện.
Tại Đan Mạch, bệnh dịch chưa nghiêm trọng như ở nhiều nước trong khu vực, tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính Nicolai Wammen cho rằng nền kinh tế của nước này có nguy cơ sụt giảm 3-6% trong năm 2020 do các biện pháp chống dịch.
Nếu tình hình vẫn tiếp diễn, quý 2 có thể là giai đoạn tồi tề nhất trong lịch sử kinh tế của Đan Mạch. Tỷ lệ thất nghiệm đã lên tới gần 45% và có gần 80 nghìn người phải nghỉ không lương.
Ông Nicolai Wammen nhận định rằng tác động tiêu cực thực sự của bệnh dịch còn chưa tới và khả năng thâm hụt ngân sách sẽ lên tới 2% so với mức thặng dư 5% khi chưa bị ảnh hưởng, còn GDP có thể sụt giảm 3%, thậm chí cao hơn nếu dịch còn kéo dài. Tính tới ngày 10-4, Đan Mạch xác nhận 5.819 ca nhiễm và 247 ca tử vong.