|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

BeGroup đề xuất phương án xây dựng mô hình vận chuyển đô thị thông minh tại Việt Nam

11:34 | 18/09/2020
Chia sẻ
Bà Nguyễn Hoàng Phương, giám đốc beGroup, đưa ra giải pháp sử dụng cửa ảo vào đô thị hoặc tích hợp nhu cầu đi lại vào một ứng dụng để giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Dự Hội thảo quốc gia về Phát triển Chính phủ điện tử 2020, bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO beGroup đưa ra một số đề xuất xây dựng một mô hình vận chuyển đô thị thông minh tại Việt Nam.

BeGroup đưa ra thực trạng về việc sở hữu phương tiện cá nhân cao, dẫn tới việc cần phải có hạ tầng giao thông tương ứng, đồng bộ. Thực trạng này là nguyên nhân gây tắc đường, làm thất thoát giờ công lao động.

"Tỉ lệ người dân sở hữu phương tiện cá nhân ở mức 88%, trong đó tính riêng ở Hà Nội và TP HCM là 94%. Tỉ lệ sở hữu xe máy đang là 80%. Mức tăng trưởng số lượng phương tiện hàng năm đang là 10% với ô tô và 8% với xe máy", bà Phương nói.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mật độ dân số Việt Nam là 290 người/km vuông vào năm 2019, ở mức cao trong khu vực. Hà Nội và TP HCM là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, với lần lượt 2.398 người/km vuông và 4.363 người/km vuông.

"Trong 10 năm qua, tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh và rộng khắp tại các địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số khu vực thành thị năm 2019 ở Việt Nam là 33.059.735 người, chiếm 34,4%", báo cáo nêu rõ.

CEO Be đề xuất phương án xây dựng mô hình vận chuyển đô thị thông minh tại Việt Nam - Ảnh 1.

CEO beGroup đề xuất một số phương án xây dựng mô hình vận chuyển đô thị thông minh tại Việt Nam. Ảnh: Be

So sánh với một số mô hình trên thế giới, bà Phương cho rằng Đan Mạch, Thụy Điển và Singapore đã rất thành công với qui hoạch đô thị. Bà cho rằng Đan Mạch đã rất thành công trong việc triển khai chính phủ điện tử.

"Cứ 10 người Đan Mạch thì 9 người sở hữu và sử dụng xe đạp để di chuyển hàng ngày. Ngoài việc qui hoạch đường dành cho xe đạp, Đan Mạch còn xây dựng một hệ thống tín hiệu đèn thông minh, ưu tiên xe đạp và các phương tiện công cộng", CEO beGroup nói.

Với thực tế ấy, thời gian di chuyển bằng xe bus và xe đạp giảm. Hệ thống thu thập dữ liệu giúp hoạch định các phương án đèn giao thông theo hướng tối ưu nhất.

Trong khi đó, Thụy Điển thu thập dữ liệu vận chuyển thông qua tín hiệu bluetooth và wifi, radar trên các phương tiện giao thông. Khi dữ liệu đủ lớn, hệ thống sẽ dự đoán những khu vực có nguy cơ ùn tắc. Tài xế sẽ nhận được phương án điều hướng từ hệ thống để tối ưu hóa thời gian di chuyển, tránh gặp tắc đường.

Một ví dụ khác gần gũi hơn là Singapore. Quốc đảo hiện đã áp dụng hệ thống ERP – Electronic Road Pricing. Hệ thống dùng GPS và tần số radio thông qua một đầu đọc trên xe để nắm lưu lượng giao thông.

Giải pháp của beGroup

Sau khi trình bày thực trạng, bà Phương đề xuất dự án cửa ảo vào đô thị (Virtual BOT). Dự án sẽ thành lập các vành đai ảo, tùy chọn thu phí các phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm. 

Các vành đai ảo có thể tùy chỉnh và khi có đủ dữ liệu lớn, hệ thống sẽ tự cập nhật theo từng ngày và giờ. Phương tiện giao thông được nhận diện thông qua định vị GPS đi cùng với hệ thống "DriverBuddy" hoặc 1 bộ truyền tín hiệu khác.

CEO Be đề xuất phương án xây dựng mô hình vận chuyển đô thị thông minh tại Việt Nam - Ảnh 2.

Mô hình cửa ảo ào đô thị. Ảnh: Be

Theo tuyên bố, DriverBuddy là một thiết bị có thể cài đặt trên điện thoại, với các chức năng tương tự Google Map. 

Bên cạnh đó, bà Hoàng Phương cũng giới thiệu beMobility, giúp tích hợp toàn bộ nhu cầu di chuyển của người dân với các phương tiện công cộngm có thể tập hợp dữ liệu lớn, đồng thời sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo để phân tích, dự đoán ùn tắc.

"Hiểu  hành vi và nhu cầu của người dân, các cơ quan quản lí sẽ qui hoạch và phát triển hạ tầng cơ sở một cách dễ dàng và chính xác hơn, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước", CEO beGroup nhấn mạnh.

Tiểu Phượng