|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bẻ hướng từ niêm yết HOSE sang giao dịch UPCoM, Tôn Đông Á (GDA) kinh doanh ra sao?

16:55 | 28/08/2023
Chia sẻ
Chuyển hướng từ kế hoạch niêm yết trên HOSE, gần 115 triệu cổ phiếu của Tôn Đông Á sắp giao dịch trên thị trường UPCoM.

(Ảnh: Tôn Đông Á).

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây chấp thuận đăng ký giao dịch gần 114,7 triệu cổ phiếu GDA của Tôn Đông Á. Trước đó, doanh nghiệp này thực hiện IPO và nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE.

Theo bản công bố thông tin, CTCP Tôn Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Đông Á được thành lập vào ngày 5/11/1998, sau đó được đổi tên thành Công ty TNHH Tôn Đông Á vào tháng 6/2005. Năm 2009, công ty chuyển đổi từ hình thức công ty TNHH sang CTCP. Năm 2022, GDA chính thức trở thành công ty đại chúng.

Từ khi trở thành CTCP đến nay, Tôn Đông Á đã thực hiện 13 đợt tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng năm 2009 lên gần 1.147 tỷ đồng năm 2022. Trong đó, lần tăng vốn mạnh nhất là năm 2017, vốn điều lệ của công ty tăng gấp đôi từ 362 tỷ lên gần 725 tỷ đồng.

Tôn Đông Á là doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép, chuyên sản xuất các sản phẩm thuộc lĩnh vực trung đến hạ nguồn. Với nguyên liệu đầu vào chính là thép cuộn cán nóng (HRC), công ty tập trung sản xuất các sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao như tôn mạ kẽm, tôn kẽm mạ màu, tôn mạ lạnh và tôn lạnh mạ màu. 

Phần lớn doanh thu của Tôn Đông Á đến từ doanh thu bán thành phẩm như tôn lạnh, tôn lạnh màu và tôn kẽm (chiếm 88 – 99% tổng doanh thu thuần). Ngoài ra, công ty cũng có doanh thu từ bán hàng hóa (chiếm 0,06 – 11%), bán phế liệu và cung cấp dịch vụ (chiếm 0,006 – 0,1%).

Trải qua quá trình hoạt động gần 25 năm, sản phẩm của Tôn Đông Á đến nay được phân phối ở hơn 1.700 đại lý trên cả nước và có mặt tại hơn 45 quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc và các nước châu Âu,… Hiện tại, công ty thép này sở hữu hai nhà máy gồm nhà máy Thủ Dầu Một và nhà máy Sóng Thần 1 với tổng công suất sản phẩm tôn 800.000 tấn/năm.

Ai đang sở hữu Tôn Đông Á?

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ bản công bố thông tin).

Tại ngày 31/3, Tôn Đông Á có tổng cộng 269 cổ đông, trong đó có 262 cổ đông trong nước nắm giữ 87,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 76,28%) và 7 cổ đông nước ngoài nắm giữ 27,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 23,72%).

Về cổ đông lớn, công ty có 4 nhà đầu tư đang nắm giữ 65,8 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 57,34%. Gồm ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT (sở hữu 37,4 triệu cổ phiếu; tỷ lệ 32,6%); bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Thành viên HĐQT (7,5 triệu cổ phiếu; 6,57%); bà Lê Thị Phương Loan, Thành viên HĐQT (12,3 triệu cổ phiếu; 10,73%); và Công ty TNHH Thương mại JFE Shoji Việt Nam (8,5 triệu cổ phiếu; 7,44%).

Tôn Đông Á đang kinh doanh ra sao? 

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới sức tiêu thụ trong nước, công ty đã đẩy mạnh kênh bán hàng xuất khẩu tốt, đồng thời tỷ lệ chi phí sản xuất và chi phí quản lý trên doanh thu thuần giảm. Theo đó, Tôn Đông Á lãi sau thuế năm 2021 tăng mạnh lên gần 1.210 tỷ đồng, tăng 323% so với năm 2020.

Tuy nhiên, trong năm 2022, công ty lỗ sau thuế 277 tỷ đồng. Trong công văn giải trình, GDA cho biết do giá nguyên vật liệu chính thép biến động giảm liên tục, tình hình biến động kinh tế thế giới đẩy giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng đáng kể, đồng thời biến động tỷ giá và lãi suất ngân hàng tăng cao so với năm trước đó.

Sang năm 2023, tình hình kinh doanh của GDA đã có những chuyển biến tích cực, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu thuần 8.726 tỷ đồng, giảm 33% so với 6 tháng đầu năm 2022; lợi nhuận sau thuế 204 tỷ đồng, giảm 38%. Công ty cho biết do nhu cầu tiêu thụ sản lượng thép trên thị trường nội địa và xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, đồng thời chi phí tài chính tăng do lãi suất vay ngân hàng tăng cao so với năm trước.

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ BCTC hợp nhất).

Trong năm 2023, Tôn Đông Á đặt mục tiêu tổng doanh thu 17.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty dự kiến tiếp tục các hoạt động triển khai đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba với công suất 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn, với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.

Dự án này được chia làm ba giai đoạn, tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng và triển khai trong 6 đến 8 năm kể từ thời điểm được duyệt Giấy phép đầu tư. Trong đó, giai đoạn một dự kiến thực hiện trong 2 năm với công suất khoảng 350.000 tấn/năm.

Diệu Nhi