BĐS công nghiệp Việt Nam đang trên đà tăng trưởng
Báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam cho thấy, mặt bằng chi phí thuê đất khu công nghiệp (KCN) ghi nhận đang tăng cao và là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Nguồn cung tại một số phân khúc nhà ở thương mại, văn phòng, bán lẻ,… đang ngày càng hạn chế, bất động sản (BĐS) công nghiệp lại đang được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra đòn bẩy khiến chi phí thuê đất KCN leo thang.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng bất động sản khu công nghiệp tăng cao, kéo theo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành này trong quý đầu năm vừa qua cũng tốt hơn.
Đơn cử như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC), doanh thu quý I/2021 của doanh nghiệp ghi nhận 2.002 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng BĐS chiếm hơn 1.904 tỷ đồng, tăng gấp ba lần cùng kỳ.
Hay trường hợp của Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi, Mã: SNZ), doanh thu được công bố trong quý I/2021 đạt 1.266 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Riêng mảng kinh doanh KCN đạt hơn 365 tỷ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khác thuộc nhóm BĐS công nghiệp như Tân Tạo (ITA), IJC và Nam Tân Uyên (NTC) đều có lợi nhuận tăng trưởng trong quý đầu năm.
Báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản công nghiệp đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về nguồn cầu tại nhiều tỉnh, thành phố như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang,...
Với 260 KCN đang hoạt động và 75 KCN đang xây dựng, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN Việt Nam đạt bình quân trên 70%; giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước khoảng 60.000 - 80.000 đồng/m2 và giá mua đất KCN đã có hạ tầng giao động trong khoảng 3 - 5 triệu đồng/m2.
Theo thống kê mới đây của Savills, tỷ lệ lấp đầy ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc tăng so với cùng kỳ. Con số này tại Hà Nội là 90%, Bắc Ninh 95%, Hưng Yên 89%; Hải Phòng 73%.
Tại phía Nam, tỷ lệ lấp đầy ghi nhận tại TP HCM là 88%, Bình Dương 99%, Đồng Nai 94%, Long An 84 và Bà Rịa - Vũng Tàu là 79%.
Còn nhiều dư địa phát triển
Dự báo của Focus Economics cho rằng, tăng trưởng bình quân của kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đạt 6,7%, xếp thứ 4/130 quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Điều này được thúc đẩy bởi môi trường chính trị ổn định, chi phí lao động thấp và lực lượng lao động tương đối có tay nghề cao. Việt Nam cũng thành công trong việc thu hút vốn FDI, đặc biệt là các lĩnh vực hàng may mặc và điện tử.
Đơn vị phân tích kinh tế này cũng nhận định, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các công ty muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc do đột thương chiến Mỹ - Trung. Việt Nam còn có lợi thế từ loạt thỏa thuận thương mại RCEP và FTA với Liên minh châu Âu.
Tuy chi phí thuê đất KCN tăng, song báo cáo của Savills từ 54 thị trường tại 21 quốc gia cho thấy, thị trường Hà Nội đang là nơi có chi phí vận hành (nhân công và năng lượng) ở mức thấp nhất.
Điều này giúp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn so với các quốc gia khác trong khu vực, trở thành điểm đến thu hút với các công ty đa quốc gia. Cùng với những chính sách của Chính phủ, BĐS công nghiệp Việt Nam đang sở hữu cơ hội lớn để tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù vậy, theo Savills, nếu các địa phương không có sự cẩn trọng tính toán trong việc cấp mới các dự án BĐS công nghiệp, khủng hoảng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.