Lộ diện nhà đầu tư loạt khu công nghiệp vừa được phê duyệt
CTCP Viglacera Thái Nguyên vừa được chấp thuận là nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên.
Dự án được thực hiện tại xã Bá Xuyên và xã Tân Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (gồm Khu số 1 và Khu số 2).
Trong đó, Khu số 1 quy mô 175,52 ha nằm trên địa giới hành chính của xã Tân Quang và một phần xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công. Khu số 2 quy mô 120,72 ha nằm trên địa giới hành chính của xã Bá Xuyên và một phần xã Tân Quang, thành phố Sông Công.
Dự án thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 3.985 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là gần 598 tỷ đồng.
Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) vừa được chấp thuận đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, TP Hà Nội. Quy mô sử dụng đất của dự án hơn 299 ha, gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai trên diện tích 179,1 ha và giai đoạn 2 có quy mô 120,35 ha. Tổng vốn đầu tư là hơn 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư gần 1.268 tỷ đồng.
Tại Tây Ninh, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1 cũng vừa được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (Mã: GVR).
Theo đó, dự án có quy mô sử dụng đất hơn 495 ha (không bao gồm phần diện tích đường Xóm Bố - Bàu Đồn; kênh thủy lợi N8; tuyến đường quy hoạch cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh đi qua dự án).
Dự án được thực hiện tại ấp Đá Hàng và ấp Giữa, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.350 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 352,5 tỷ đồng.
Tại Bắc Giang, CTCP Le Delta mới đây đã được chấp thuận đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phúc Sơn. Dự án được thực hiện tại xã Phúc Sơn và xã Lam Cốt, huyện Tân Yên với quy mô gần 124 ha đất. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.836 tỷ đồng.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo nguồn cung bất động sản khu công nghiệp vẫn sẽ thiếu hụt trong 1 - 2 năm tới. Đồng thời, điều này cũng tạo áp lực cho Chính Phủ phải đẩy nhanh tiến độ pháp lý để mở khóa nguồn cung tại các tỉnh/thành còn chỉ tiêu phê duyệt.
Công ty chứng khoán này cho rằng điểm rơi nguồn cung mới sẽ vào giai đoạn nửa cuối năm 2025 đến năm 2026 trở đi.
Nhìn lại làn sóng FDI lần thứ 3 chảy vào Việt Nam, BSC cho biết nguồn cung từ mở khóa quỹ đất mới sẽ có đỗ trễ 1 - 2 năm kể từ khi dòng vốn FDI chảy vào. Cụ thể, vốn thực hiện FDI tăng trưởng mạnh mẽ 7%/năm trong giai đoạn 2015 – 2019. Trong khi đó, trong giai đoạn này, nguồn cung quỹ đất chỉ tăng trưởng 3%/năm, chỉ được mở khóa kể từ năm 2020.
Tương tự, đối với làn sóng FDI thứ 4 từ Trung Quốc, BSC cho rằng điểm rơi nguồn cung mới cũng sẽ có độ trễ 1 - 2 năm và sẽ từ nửa cuối năm 2025 trở đi. Nguồn cung mới sẽ có xu hướng dịch chuyển ra các tỉnh/thành vệ tinh loại 2 của Hà Nội và TP HCM.
Lý do là bởi hạ tầng giao thông ngày càng được cải thiện giúp giảm thiểu thời gian di chuyển giữa các vùng kinh tế trọng điểm và khu vực thị trường cấp 2. Chi phí cho thuê đất cũng như chi phí nhân công tại thị trường cấp 2 chưa quá cao và quỹ đất dồi dào mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho khách thuê. Xu thế này dự báo sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp đã và đang phát triển dự án tại các thị trường cấp hai.