|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

BBK Electronics: Nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới nhiều người chưa từng nghe tên

16:43 | 05/03/2021
Chia sẻ
Không phải Huawei, Samsung hay Apple, một công ty có tên BBK Electronics mới là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới với hàng loạt thương hiệu con như Oppo, Vivo, Realme, OnePlus, và Iqoo.

Truyền thông Trung Quốc gắn nhiều danh xưng cho ông Duan Yongping, người sáng lập của BBK Electronics. Với nhiều người, ông được biết đến với tên gọi "bố già của ngành công nghiệp smartphone Trung Quốc". Dù vậy, bên ngoài Trung Quốc, BKK lại gần như một cái tên không ai biết đến, dù nó là "bệ phóng" cho sự phát triển của các thương hiệu như Oppo, Vivo, Realme, OnePlus, và Iqoo.

Không phải Apple hay Samsung, đây là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới nhiều người chưa từng nghe tên - Ảnh 1.

Ông Duan Yonping, chủ tịch và người sáng lập của BBK. (Ảnh: Kr-ASIA)

Ông Duan Yongping còn được ví như "Warren Buffet của Trung Quốc" vì sự thành công trong sự nghiệp tài chính. Hồi năm 2016, ông từng ăn trưa với Warren Buffet sau khi thắng phiên đấu giá với số tiền 621.000 USD. Ông Duan Yongping nói rằng đây là cơ hội để ông nói lời cảm ơn với nhà đầu tư thiên tài đã tạo nhiều cảm hứng cho ông suốt cả sự nghiệp.

Trong một thập nhiên gần đây, ông Duan Yongping hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Dù vậy, ông là một thành viên tích cực của diễn đàn chứng khoán Xueqiu.com với hơn 400.000 người theo dõi. Trong diễn đàn này, ông thường chia sẻ các bí quyết đầu tư cùng bình luận về cổ phiếu để tương tác với người theo dõi. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ các thông tin mới về BBK cũng như các công ty có liên quan.

Nếu coi OPPO, Vivo và Realme là một nhóm, BBK hiện đang là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới với 19% thị phần trong năm 2020, theo Counterpoint Research. Ba thương hiệu trên đã bán 262.7 triệu máy điện thoại trong năm 2020, vượt qua cả thành tích của Huawei hay Samsung. Đó là chưa tính đến các thương hiệu như OnePlus và Iqoo.

Dù vậy, mối quan hệ giữa BBK và các thương hiệu smartphone nói trên thực tế khá mơ hồ.

Trong khi BBK ít khi xuất hiện trước truyền thông, OPPO, Vivo, Realme và OnePlus cũng thường không nhắc đến mối qan hệ với BBK đồng thời luôn khẳng định sự độc lập của mình.

Hình thành một "ông lớn" điện tử

Năm 1995, ông Duan sáng lập BBK Electronics ở Đông Hoản, một thành phố có thế mạnh về sản xuất ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trước khi sáng lập BBK, Duan là giám đốc của tập đoàn Zhongshan Yihua, công ty sản xuất máy chơi game Subor từng là đối thủ của NES (Nintendo) vào đầu những năm 1990.

Ban đầu, BBK dành sự quan tâm cho mảng thiết bị giáo dục, thiết bị nghe nhìn và phụ kiện giao tiếp. Công ty này sản xuất các sản phẩm từ điển điện tử, điện thoại có dây, đầu đĩa VCD và máy chơi nhạc MP3. Nhờ mạng lưới phân phối trực tiếp rộng khắp và các chiến lược marketing ấn tượng, BBK có dấu ấn mạnh mẽ tại sân nhà.

Dù vậy, vào năm 1999, khi mảng thiết bị nghe nhìn chịu cạnh tranh mạnh từ các thương hiệu nước ngoài như Sony, Duan bắt đầu tái cơ cấu công ty. Ông quyết định chia BBK thành ba mảng kinh doanh riêng biệt là Điện tử nghe nhìn, Điện tử giáo dục và Điện tử giao tiếp.

Nhánh điện tử nghe nhìn khai sinh ra thương hiệu OPPO vào năm 2004, tập trung vào nhóm sản phẩm thiết bị chơi DVD, MP3 và MP4. Về sau, OPPO chuyển định hướng sang điện thoại dưới sự dẫn dắt của Tony Chen, một học trò khác của ông Duan.

Không phải Apple hay Samsung, đây là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới nhiều người chưa từng nghe tên - Ảnh 2.

Cửa hàng Vivo và OPPO tại một trung tâm thương mại Trung Quốc. (Ảnh: Tuchong)

Năm 2009, Vivo thành lập trên cơ sở mảng giao tiếp của BBK. Mảng điện tử giáo dục trong khi đó giữ nguyên tên gọi BBK Educational Electronics (EEBBK) và sản xuất các thiết bị như đồng hồ thông minh cho trẻ em và từ điển điện tử.

Trong khi OPPO và Vivo và dần tách ra thành các công ty tư nhân độc lập, cổ phần và mức độ tham gia quản lý của BBK vẫn là một ẩn số. Dù vậy, hầu hết các hãng tin Trung Quốc vẫn xem BBK là công ty mẹ của OPPO, Vivo và các thương hiệu có liên quan khác.

Kr-ASIA nói rằng cổ phần của ông Duan trong BBK và cổ phần của BBK trong các công ty con đã bị pha loãng do nhiều nhà đầu tư khác tham gia đầu tư và các chương trình ưu đãi cổ phiếu cho nhân viên. Ở BBK, ông Duan yêu cầu thực hiện cấu trúc ESOP sao cho cổ phần của ông giảm từ 70% vào năm 1995 xuống còn 17% vào năm 1999. Các chính sách tương tự cũng được áp dụng ở OPPO và Vivo.

Cũng theo Kr-ASIA, OPPO hiện đang thuộc sở hữu và kiểm soát bởi Guangdong OPlus Communication Technology, một công ty con của Guangdong OPlus Holdings. Đây cũng là công ty kiểm soát thương hiệu Realme và OnePlus đồng thời có cổ phần 45% trong công ty BBK Education Development.

Cùng thời điểm, BBK Education Development có Vivo (45%) và BBK Education Technology (10%) là nhà đầu tư, theo công ty theo dõi doanh nghiệp Trung Quốc Tianyancha.

Hiện chưa rõ vì sao BBK luôn mối che giấu mối quan hệ của mình với các thương hiệu điện thoại. Một giả thuyết được đưa ra là những thương hiệu như OPPO, Vivo hay OnePlus luôn muốn truyền đi hình ảnh một công ty độc lập. Bên cạnh đó, cũng có thể tính cách kín đáo của ông Duan ảnh hưởng đến chiến lược công ty.

Về mặt kinh tế, việc có nhiều thương hiệu cho phép BBK tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng khác nhau với nhu cầu khách nhau, từ giá thấp đến cao cấp. Các thương hiệu cũng có thể tuỳ ý tiếp cận với các phân khúc khách hàng khác nhau với các chiến lược tiếp thị của riêng mình.

Một người phát ngôn của OPPO nói với Kr-ASIA rằng "OPPO và BBK là hai công ty hoạt động độc lập với nhiều nhà đầu tư chung". Người này xác nhận OPLus là nhà đầu tư hỗ trợ OPPO, OnePlus và Realme trong cách lĩnh vực như đầu tư, chuỗi cung ứng và sản xuất song chúng hoạt động độc lập.

Trong khi đó, Vivo xác nhận bắt nguồn từ BBK Electronics nhưng bắt đầu dùng tên gọi Vivo cho sản phẩm của mình vào năm 2011. Vivo "không phải một công ty con của BBK Electronics và không liên quan đến OPPO", người phát ngôn của Vivo nói.

Thế đang lên của OPPO, Vivo và các thương hiệu con khác

Năm 2008, thị trường smartphone Trung Quốc bị phủ bóng bởi các thương hiệu nước ngoài như Nokia, Motorola, và Samsung. OPPO ra mắt chiếc Smile Phone vào năm đó. Vivo cũng theo sau bằng chiếc điện thoại đầu tiên của mình mang tên "điện thoại nghe nhạc V1".

Cả hai chiếc máy đều nhanh chóng được thị trường đón nhận với thiết kế kiểu cách, camera chất lượng, loa sắc nét và màn hình lớn. Quảng cáo thông qua người nổi tiếng, kênh phân phối mạnh và chiến lược khuyến mại hiệu quả cũng đóng góp vào thành công.

Đến năm 2016, những mẫu điện thoại như OPPO R9 hay OPPO A33 giúp doanh số điện thoại nội địa của OPPO tăng 109%. Cùng năm, doanh số của Vivo chạm mốc tăng trưởng 78%. Theo Counterpoint Research, vào năm 2016, OPPO và Vivo có tổng thị phần gần 30%, đứng thứ 2 và thứ 3 ở Trung Quốc.

Năm 2013, OPPO ra mắt OnePlus, một thương hiệu nhánh hướng đến nhóm người dùng quốc tế mong muốn tìm kiếm thiết bị có cấu hình tốt ở tầm giá phải chăng. OnePlus do 2 cựu nhân sự OPPO là Peter Lau và Carl Pei dẫn dắt. 

Mặc dù OnePlus và OPPO thường tỏ ra  "lảng tránh" về sự liên quan của mình, một hồ sơ doanh nghiệp cho thấy Shenzhen OnePlus Technology được sáng lập vào năm 2013 cùng khoản đầu tư 50 triệu nhân dân tệ từ Guangdong Oppo Electronics trong vai trò nhà đầu tư duy nhất.

Không dừng lại ở đây, năm 2010, OPPO ra mắt một thương hiệu nhánh khác là OPPO Real để sản xuất những thiết bị giá thấp với giá khoảng 1.000 nhân dân tệ (155 USD). Oppo Real tách ra hoạt động độc lập từ năm 2018 và đổi tên thành Realme. Vivo áp dụng chiến lược tương tự vào năm 2019 với thương hiệu con Iqoo nhắm đến người dùng thích điện thoại có cấu hình cao cho mục đích chơi game hoặc streaming.

 "So với các thương hiệu và nhỏ sản xuất nhỏ hơn, nhóm thương hiệu con tách ra từ một công ty lớn, sẽ có tiếng nói hơn trong chuỗi cung ứng nhờ số lượng máy sản xuất lớn", ông Wang Xi, một nhà phân tích thị trường smartphone ở IDC, nói với Kr-Asia

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này nhận định vuệc phát triển các thương hiệu mới để hướng đến một tệp người dùng rộng lớn hơn sẽ không làm ảnh hưởng đến định hướng thương hiệu gốc. Ví dụ, điểm mạnh của Realme là những chiếc điện thoại giá thấp trong khi đó OnePlus hướng đến nhóm người dùng yêu cầu cao về cấu hình.

Vivo, OPPO và Realme có 36% thị phần ở Trung Quốc trong quý 4/2020. Thành tích này khiến BBK Network vượt qua Huawei. Ở Đông Nam Á, nhóm thương hiệu này chiếm tới 51% thị phần trong quý 2/2020. Ở Ấn Độ, chúng có hơn 37% thị phần trong quý 4/2020. Đáng chú ý, OnePlus kiểm soát tới 27% thị phần di động cao cấp ở quốc gia tỷ dân này,

Tương lai của BBK

Khác những đối thủ như Xiaomi, các thương hiệu của BBK vẫn là công ty tư nhân và chưa có kế hoạch trở thành công ty đại chúng.

Ông Duan cũng không thích sự hào nhoáng của truyền thông và tính cách của ông thể hiện trong chiến lược của BBK. Hầu hết khách hàng không biết Oppo, Vivo, OnePlus, và Realme có chung "gốc gác".

Người sáng lập BBK đang sống ở California vào năm 2001 khi ông được cho là đã từ chức CEO. Cùng năm đó, khi bong bóng dot-com phát nổ ở Mỹ, ông Duan mua 2 triệu cổ phiếu NetEase. Con số này giúp ông Duan hưởng lợi tức tăng 50 lần hai năm sau đó khi NetEase triển khai mảng game trực tuyến.

Lúc này, ông Duan vẫn đang là Chủ tịch BBK, theo Bloomberg, dù rằng mối liên hệ của ông cùng BBK và các công ty con vẫn là ẩn số. Khi được hỏi trên diễn đàn Xueqiu về quan điểm thành công, ông Duan trả lời, "sống là chính mình mỗi ngày đã là một thành tựu".

Thái Sơn

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.