|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

BBI Mall ngừng cơ chế tích điểm tới 100% giá trị sản phẩm, đòi xem chứng từ với giao dịch trên 500 triệu đồng

11:20 | 23/12/2019
Chia sẻ
Mức tích điểm trên ứng dụng BBI Mall sẽ giảm xuống mức 20% thay vì lên tới 100% giá trị giao dịch để ngăn chặn tình trạng trục lợi bằng việc tạo giao dịch khống.

Giới truyền thông đang liên tục đưa tin về những biểu hiện bất thường trong hoạt động của BBI Mall, ứng dụng mua sắm tích điểm, hoàn tiền lên tới 100% của công ty BBI Việt Nam. 

Mức chiết khấu tối đa chỉ còn 20%

Mới đây, BBI Việt Nam thông báo trên fanpage rằng, sau thời gian hoạt động thử nghiệm với các chính sách và chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng, ứng dụng BBI Mall đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng khách hàng. 

"Tuy nhiên, BBi Việt Nam nhận thấy vài trường hợp đối tượng lợi dụng các chính sách kích cầu của BBI Việt Nam để trục lợi cá nhân, tạo giao dịch không có sản phẩm, thực hiện hành vi mua bán không chính thống và không hợp lệ. Những việc này gây tổn thất và rủi ro lớn cho sự phát triển bền vững của công ty", thông báo nhấn mạnh.

Hạ mức tích điểm tối đa xuống 20% giá trị sản phẩm, BBI Mall tuyên bố tiếp tục diệt giao dịch khống - Ảnh 1.

Thông báo về chính sách hạ mức chiết khấu tối đa xuống 20% trên fanpage của BBI Mall. Ảnh: BBI Việt Nam

Vì vậy, để đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng và sự phát triển lâu dài, bền vững của BBI Việt Nam, từ ngày 25/12, công ty điều chỉnh chính sách khuyến mại tích điểm cho khách hàng tiêu dùng mới trên ứng dụng BBi Mall tối đa lên tới 20% giá trị sản phẩm, đồng thời khoá tính năng Tặng Tích Điểm trên ứng dụng.

Công ty lưu ý rằng chính sách mới không ảnh hưởng tới số tích điểm của người dùng trước ngày 25/12.

Với những dòng bình luận bên dưới thông báo, nhiều người tỏ ra buồn khi BBI Việt Nam khi họ không còn cơ hội nhận tích điểm "lên tới 100% giá trị đơn hàng" như trước đây. Thậm chí một số người còn dự đoán BBI Việt Nam sẽ tiếp tục hạ mức tích điểm.

Công ty cũng công bố những hình thức xử lí đối với những thành viên tạo đơn hàng ảo - như khóa tài khoản, gỡ tài khoản trên ứng dụng, cấm hợp tác với công ty trong tương lai.

Một "điểm nổi bật" của BBI Mall là ứng dụng sẽ tặng số điểm cho thành viên với mức gấp 8-10 lần số tiền chiết khấu. Hàng ngày, tài khoản BBI Mall của thành viên sẽ nhận 0,05% số tiền đó. Khi số tiền đạt mức 500.000 đồng trở lên, thành viên có thể chuyển tiền về tài khoản ngân hàng cá nhân.

Cơ chế tặng điểm của BBI Mall khuyến khích giao dịch ảo

BBI Việt Nam đã thừa nhận tình trạng nhiều thành viên chỉ học cách lập đơn hàng ảo để hưởng hoa hồng, chứ không giao dịch hàng thật.

Theo một phóng sự gần đây của VTV1, một người phụ nữ tên Phương tham gia ứng dụng mua sắm tích điểm BBI Mall. Chị được hướng dẫn lập 2 tài khoản để mua và bán trên một đơn hàng ảo tự tạo có trị giá 400 triệu đồng.

Cổng chào, sân khấu và sản phẩm trong một sự kiện mà BBI Việt Nam vừa tổ chức ở thành phố Hải Dương. Ảnh: BBI Việt Nam

Việc của chị Phương là chuyển 10% giá trị đơn hàng, tức 40 triệu đồng chiết khấu bằng tiền thật vào tài khoản ngân hàng của BBI Việt Nam. Đổi lại, chị sẽ nhận 400 triệu tích điểm vào tài khoản trên ứng dụng. Số điểm này hàng ngày sẽ được chuyển đổi thành tiền theo tỷ lệ 0,05%.

Với cách làm ấy, khoảng 400 triệu tích điểm của chị Phương sẽ được chuyển đổi thành 400 triệu đồng. Tài khoản của chị sẽ nhận tiền trong vòng 24 tháng, tương ứng khoản lãi hơn 180%/năm.

Một người đàn ông tên Thanh cùng vợ đã đăng kí thành viên trên ứng dụng BBI Mall. Tài khoản của chị vợ bán ô tô với giá 2 tỉ đồng, còn tài khoản của chồng mua ô tô. Mục đích của giao dịch là đầu tư 200 triệu đồng vào BBI Mall thông qua chiết khấu 10% giá trị đơn hàng để nhận lượng tích điểm tương đương 2,2 tỉ đồng.

Cứ mỗi ngày, anh Thanh sẽ nhận 1 triệu đồng. Sau 7 tháng anh sẽ hoàn vốn và cứ thế hưởng số tiền còn lại với mức chuyển khoản là 0,05% mỗi ngày.

Qui định mới đối với giao dịch trên 500 triệu đồng

Bên cạnh đó, với các đơn hàng trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, BBI Việt Nam có thể yêu cầu xuất trình chứng từ, hóa đơn chứng minh tính hợp lệ của giao dịch.

"Nếu khách hàng không cung cấp được các chứng từ chứng minh tính hợp lệ của giao dịch, BBi Việt Nam có quyền đơn phương từ chối hợp tác", công ty khẳng định.

Mặc dù vậy, một số người hoài nghi về việc BBI Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc qui định của họ đối với giao dịch trên 500 triệu đồng. Theo họ, đây chỉ là động thái xoa dịu sự lo ngại của công chúng đối với hành vi thực hiện giao dịch khống trên BBI Mall.

Ngoài ra, một số người nhận định các thành viên có thể "lách" qui định bằng thực hiện những giao dịch khống có giá trị dưới 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Bình Minh, thuộc khoa Hệ thống thông tin Kinh tế Thương mại điện tử của Đại học Thương mại Hà Nội, nhận định tạo đơn hàng ảo để hưởng hoa hồng không phải là giao dịch thương mại. Theo ông, về bản chất, đó là hoạt động cho vay tiền để lấy lãi.

Trong thông cáo báo chí mới nhất, BBI Việt Nam thừa nhận cách thức hoạt động của BBI Mall ở thời điểm hiện tại chưa đúng pháp luật, cần phải "điều chỉnh".

Cửu Dương

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.