|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bất đồng ý kiến về việc giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

13:45 | 27/12/2022
Chia sẻ
NHNN đề xuất giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng. Tuy nhiên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và đại diện một số ngân hàng nêu ý kiến đề nghị NHNN xem xét và cho rằng mức 300 triệu đồng không còn phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo NHNN theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Dự thảo quy định mức giá trị giao dịch phải báo cáo NHNN là 300 triệu đồng khi một khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày.

NHNN đã gửi công văn xin ý kiến các bộ, ngành và đối tượng báo cáo. Trong đó Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và Vụ Thanh toán đồng ý với Dự thảo Quyết định.

Tuy nhiên, về mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, Bộ Quốc phòng đề nghị nâng định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo vì định mức 300 triệu đã được áp dụng từ năm 2013, đến nay giá trị tiền Việt Nam cũng như giá cả thị trường, số lượng giao dịch đã tăng rất nhiều lần.

Việc quy định mức 300 triệu đồng kế thừa từ Quyết định 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013, tuy thấp hơn mức của FATF nhưng sẽ đảm bảo chặt chẽ hơn so với khuyến nghị và có hiệu quả hơn trong công tác PCRT. Mặt khác, quy định này góp phần hạn chế sử dụng, thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam.

(Ảnh minh họa)

Cùng quan điểm, Bộ Công an đề nghị NHNN nghiên cứu đưa ra mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay vì 10 năm qua đã có sự phát triển kinh tế, xã hội rất lớn.

Bộ Tư pháp đề nghị NHNN cân nhắc định lượng một mức giao dịch phải báo cáo sát hơn nữa so với mức khuyến nghị của FATF và nên là mức cho một lần giao dịch trong ngày. Đồng thời, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi, hiệu quả, dễ thực hiện của của quy định, đối với các giao dịch được thực hiện nhiều lần trong một ngày của khách hàng gần với mức giao dịch lớn phải báo cáo nên được quy định thuộc nhóm giao dịch lớn bất thường, phức tạp mà đối tượng báo cáo phải thực hiện giám sát theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Phòng, chống rửa tiền. .

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng cho rằng quyết định số 20/2013/QĐ - TTg đã được ban hành cách đây gần 10 năm, đến nay tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng đã có nhiều biến đổi, FATF khuyến nghị ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo là 15.000 USD (tương đương 375 triệu đồng) và cũng không khuyến nghị cụ thể đây là mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hay nhiều lần trong một ngày của khách hàng.

Đại diện Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – Mã: ABB) cho rằng dự thảo đặt ra mức giá trị của giao dịch lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng là chưa phù hợp với thực tế phát triển và hoạt động giao dịch thanh toán hiện nay.

Cụ thể, ABBank nêu ý kiến rằng với mức giá trị là 300 triệu đồng thì so với hiện trạng sự phát triển kinh tế hiện nay, mức này chưa hoàn toàn phù hợp

Thực tế, các đối tượng báo cáo phát sinh trong một ngày số lượng giao dịch có giá trị trên 300 triệu đồng rất lớn, đặc biệt là các khách hàng là tổ chức kinh tế (cụ thể là doanh nghiệp). Do đó, nếu đặt ra hạn mức như trên thì số lượng báo cáo phát sinh trong một ngày rất lớn.

Do đó, ABBank đề xuất cần xem xét lại nội dung này theo một trong hai hướng là nâng cao hơn nữa mức giá trị giao dịch phải báo cáo để phản ánh đúng bản chất cũng như tình hình phát triển kinh tế hiện nay hoặc không quy định nội dung này.

Tuy nhiên, các ý kiến trên của Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và ABBank đều không được NHNN tiếp thu ý kiến góp ý.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Xăng dầu (PGBank) và ngân hàng Taipei Fubon cũng có ý kiến đê nghị xem xét về mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. Tuy nhiên, NHNN cũng phản hồi không tiếp thu ý kiến góp ý.

Theo Luật Phòng chống rửa tiền, khoản 2 điều 25 quy định rằng Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Đối tượng áp dụng là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022.

Huyen Vi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.