|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất động sản tại 4 huyện đề xuất lên quận: Nhà đầu tư chơ vơ sau cơn sốt

11:04 | 27/06/2019
Chia sẻ
Những tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản Hà Nội dậy sóng với cơn sốt đất đồng loạt ở 4 huyện vùng ven có thông tin lên quận vào năm 2020 là Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh và Gia Lâm.

Những tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản Hà Nội dậy sóng với cơn sốt đất đồng loạt ở 4 huyện vùng ven có thông tin lên quận vào năm 2020 là Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh và Gia Lâm.

Những biến động ngoạn mục về giá đã được thiết lập trong thời gian ngắn tại các khu vực trên. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng nay, sóng đã “lặn” ở các thị trường ven.

Bất động sản tại 4 huyện đề xuất lên quận: Nhà đầu tư chơ vơ sau cơn sốt - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản ven Hà Nội đã hạ nhiệt và rơi vào cảnh trầm lắng

Giá đất bị đẩy lên cao

Trước đó, thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 khiến giá đất thổ cư, đất nền các huyện này tăng nóng 20-30%, thậm chí nhiều khu vực tăng 70-100% chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2019.

Số liệu khảo sát của phóng viên thời điểm đó cho thấy, các khu vực Xuân Canh, Nguyên Khê, Lễ Pháp, Thiên Ca, Trung Oai, Vĩnh Ngọc… (Đông Anh), giá đất bị đẩy lên gấp đôi, mức tăng đạt 100% so với thời điểm đầu năm 2018, từ mức 15-17 triệu đồng/m2 lên tới 28-30 triệu đồng/m2 ở Nguyên Khuê; từ 15-18 triệu đồng/m2 lên mức 30-35 triệu đồng/m2 ở Lễ Pháp; từ 20 triệu đồng/m2 lên 35-40 triệu đồng/m2 ở Xuân Canh…

Hay tại Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (Thanh Trì), thời điểm đầu năm 2018, đất phân lô chỉ dao động 30-40 triệu đồng/m2 thì 1 năm sau đó, trong cơn sốt đất, giá chạm mức 55-65 triệu đồng/m2.

Tại Hoài Đức, đầu năm 2019, đất mặt tiền quốc lộ thị trấn Trạm Trôi được chào giá 120-130 triệu đồng/m2, trong khi cùng kì năm ngoái giá chào bán là 80-110 triệu đồng/m2. Tương tự, đất có vị trí đẹp tại các xã An Khánh, An Thượng, giá nhảy vọt từ 23-28 triệu đồng/m2 lên mức 30-37 triệu đồng/m2…

Tại Gia Lâm, đất trên đường An Đào A, Đào Nguyên A, giá chào bán lúc sốt đất dao động từ 38-45 triệu đồng/m2, trong khi mức giá đầu năm 2018 là từ 32-36 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền Kiêu Kỵ, đường rộng 2 ô tô tránh nhau, giá chào bán là 25-32 triệu đồng/m2, trong khi giá của một năm trước dao động từ 20-23 triệu đồng/m2.

Đất đai nổi sóng ở 4 huyện ngoại thành Hà Nội thực chất là sự “làm giá” của các đầu nậu và cò đất khu vực. Hoạt động mua bán, sang nhượng chỉ diễn ra trong các nhóm đầu tư, người có nhu cầu mua ở thực vắng bóng hoàn toàn.

Cơn sốt kéo dài trong khoảng 2 tháng đầu năm (thời điểm sau Tết Nguyên đán) là tháng 2, tháng 3  dương lịch và dần xẹp lép vào những tháng kế tiếp.

Thị trường hạ nhiệt

Đến hiện tại, thị trường đã hạ nhiệt và rơi vào cảnh trầm lắng, giao dịch diễn ra nhỏ giọt ở 1 số nơi. Trong cơn nóng sốt, đất tại Nguyên Khuê, Lễ Pháp được "hét" lên 28-30 triệu đồng/m2 thì nay cũng chính những mảnh đất thuộc khu vực đó, giá rao bán quay đầu “ngoạn mục” với mức khoảng 20 triệu đồng/m2. Đất tại Xuân Canh, thay vì mức “khủng” 35-40 triệu đồng/m2, giá đang được rao bán chỉ dao động từ 20-22 triệu đồng/m2.

Những mảnh đất trên đường An Đào A, Đào Nguyên A, trong cơn sốt đất đầu năm giá hét lên 38-45 triệu đồng/m2 thì đến nay những mảnh đất đó vẫn chưa có chủ mới. Khi phóng viên đặt vấn đề mua, chủ đất ngập ngừng đưa mức giá thấp hơn 2 giá so với thời điểm nóng sốt là 39 triệu đồng/m2. Thấy khách mua tỏ vẻ không mặn mà với mức giá đó, chủ đất vớt vát: “Giá vẫn có thể thương lượng, nếu thiện chí sẽ giảm thêm”.

Sau cơn sốt đất, những mảnh đất có vị trí đẹp ở An Khánh, An Thượng từng được chào giá 30-37 triệu đồng/m2 thì 2 giao dịch gần đây, diễn ra trong tháng 5 và đầu tháng 6, giá chốt thành công lần lượt là 25 và 27 triệu đồng/m2.

Anh Nguyễn Văn Tú, một môi giới chuyên phân khúc đất thổ cư Hà Nội cho biết cơn sốt đất vùng ven thời điểm đầu năm chỉ là chiêu trò của cò đất và đầu nậu. Cơn sốt bùng lên và kéo dài trong chưa đầy 2 tháng. Và trên thực tế, những nhà đầu tư tay ngang, non kinh nghiệm, ôm đất chưa kịp đẩy hàng là những người chịu trận khi thị trường hạ nhiệt.

Theo lời kể của anh Tú, trong cuộc thổi giá ở Đông Anh, một mảnh đất chỉ trong vòng 1 tuần, được sang tay đến nhà đầu tư thứ 2 là anh L.H.M – vốn là 1 thợ sửa xe máy. Thời điểm nóng bỏng đó, nghe lời cò, anh M. lao vào mua đất với mục đích sẽ đẩy hàng ra càng sớm càng tốt để hưởng chênh. Tuy nhiên, sóng lặng đến nay, anh M vẫn ôm đất và liên tục rao bán cắt lỗ nhưng chưa có ai mua.

Tương tự, bà H. – một người phụ nữ buôn bán tạp hóa ở Mê Linh cũng lao vào cơn sốt đất khi mua lại 1 mảnh đất ở Hoài Đức với lời hứa hẹn về mức tăng khủng và cam kết đẩy hàng thành công chỉ trong 2 tuần của môi giới. Thế nhưng hơn 2 tháng qua, thị trường trầm lắng, môi giới từng hứa hẹn với bà H. từng viện đủ lí do khi không thể thực hiện lời hứa thì đến nay bà H. thậm chí còn không liên lạc được với môi giới này.

Những ngày cuối tháng 6, phóng viên quay lại những thị trường tâm điểm của cơn sốt đầu năm, liên hệ lại với nhiều môi giới, đầu nậu đất ở đây thì nhận ra một điểm chung là khá nhiều đầu nậu, môi giới đã dạt vào Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Yên... để tìm kiếm kênh đầu tư, cơ hội sinh lời mới.

Thị trường vùng ven Hà Nội chơ vơ sau cơn sốt chóng vánh… chỉ còn lại những người như anh M., bà H. đang đau đáu với mảnh đất “chết lặng” một chỗ.

Nguyên Minh