|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội vẫn còn nhiều 'đất sống'

11:00 | 17/03/2017
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp địa ốc đã từng nếm “trái đắng”, thậm chí phá sản vì chạy theo trào lưu đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội. Thế nhưng, điều bất ngờ là xu hướng đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven lại đang được hồi sinh, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính thực sự.
bat dong san nghi duong vung ven ha noi van con nhieu dat song
Một số doanh nghiệp địa ốc không có tiềm lực tài chính từng gặp nhiều khó khăn vì đầu tư dự án bất động sản sinh thái nghỉ dưỡng vùng ven. Trong ảnh là Dự án Ngọc Viên Islands của chủ đầu tư Sỹ Ngàn, doanh nghiệp đã bị đối tác kiện yêu cầu phá sản vì thế.

Trào lưu “chết yểu”

Trước năm 2011, thị trường bất động sản bùng nổ, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đã bị mê hoặc bởi các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, sinh thái.

Vì thế, ngoài đầu tư dự án ở trung tâm Hà Nội, nhiều doanh nghiệp lên tận Ba Vì, Thạch Thất (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình) để lập quy hoạch và đầu tư dự án bất động sản sinh thái nghỉ dưỡng, nhằm đón đầu xu hướng thị trường.

Cụ thể, Sông Đà Sudico từng có rất nhiều quỹ đất chưa triển khai tại Hà Nội, vẫn lên tận Lương Sơn, Hòa Bình đầu tư dự án sinh thái Tiến Xuân, với quy mô lên đến hơn 1.200 héc ta.

Tập đoàn Geleximco cũng quyết định đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình theo hình thức BT để được quyền đầu tư dự án khoảng 1.500 héc ta đô thị sinh thái, sân golf tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

Sự phát triển nóng của bất động sản nghỉ dưỡng, sinh thái còn khiến thị trường xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp định vị “chuyên môn hóa” phát triển bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven.

Cụ thể, Tập đoàn Archi từng làm chủ đầu tư của hàng loạt dự án nghỉ dưỡng như Tản Viên Villas & Resort, quy mô 21 ha, Dự án Nine Ivory Eco-resort & Country Club quy mô 12 ha, Dự án Green Villa 4 quy mô 11 ha… với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la.

Có tham vọng lớn, Tập đoàn INT Group cũng đầu tư hàng loạt dự án nghỉ dưỡng, như: Dự án Top Hill Villas quy mô 12 ha tại huyện Lương Sơn, Dự án Melody Villas, quy mô 36,5 ha tại huyện Kỳ Sơn.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Sỹ Ngàn được thành lập để đầu tư Dự án Ngọc Viên Islands có quy mô 30 héc ta; Công ty Reenco Sông Hồng cũng đầu tư dự án sinh thái Đông Trường Sơn, huyện Lương Sơn, quy mô gần 100 héc ta…

Có một thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản sinh thái nghỉ dưỡng trước kia có tiềm lực tài chính yếu. Vì thế, khi dự án đang trong quá trình triển khai, thị trường bất động sản bất ngờ rơi vào suy thoái, doanh nghiệp không tiếp tục huy động được vốn từ nhà đầu tư, khiến nhiều dự án rơi vào đình trệ, bỏ hoang. Thậm chí, có doanh nghiệp còn bị đối tác kiện đến phá sản vì thiếu nợ, như chủ đầu tư Dự án Ngọc Viên Islands…

Khi “đại gia” nhập cuộc

Trong khi rất nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó vì đầu tư dự án bất động sản sinh thái nghỉ dưỡng, thì mới đay, một số doanh nghiệp địa ốc có tiềm lực lại nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven và tiếp tục đầu tư mạnh cho loại hình bất động sản đặc thù này.

bat dong san nghi duong vung ven ha noi van con nhieu dat song
Tiềm năng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ven đô rất lớn, đã thu hút nhiều đại gia bất động sản đầu tư lớn. Trong ảnh là dự án FLC Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc) giai đoạn 1 của Tập đoàn FLC.

Cụ thể, Công ty Hồng Hạc Đại Lải đã khá thành công khi hoàn thiện và khai thác hiệu quả giai đoạn 1 tại dự án Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc), nên mới đây, doanh nghiệp này đã quyết định đầu tư giai đoạn 2, với kinh phí lên đến 11.000 tỷ đồng.

Tập đoàn FLC, sau khi triển khai thành công giai đoạn 1 dự án Nghỉ dưỡng sinh thái FLC Vĩnh Thịnh, Vĩnh Phúc, mới đây đã quyết định đầu tư thêm 1,1 tỷ USD đầu tư giai đoạn 2 dự án này.

Trong khi đó, Thăng Long Invest mới đây cũng đã chính thức đưa dự án Sinh thái nghỉ dưỡng tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) vào khai thác, vận hành.

Sự sôi động và tiềm năng của bất động sản sinh thái nghỉ dưỡng vùng ven mới đây cũng đã khiến Tập đoàn Sun Group quyết định đầu tư lớn vào bất động sản ven Hà Nội, với việc khởi công đầu tư dự án mới tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc…

Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch Thăng Long Invest, chủ đầu tư dự án khu đô thị sinh thái Vườn Vua cho rằng: Nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng của người Hà Nội rất lớn và đang tăng rất nhanh. Điều đó chứng tỏ các dự án sinh thái nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội còn nhiều đất sống.

Vấn đề cốt lõi, theo ông Long là doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính thật sự để đầu tư hoàn thiện dự án. Còn nếu dự án manh mún, thiếu các dịch vụ thì rất khó khai thác và thành công.

Ông Lê Minh Kha, Phó Tổng giám đốc Công ty Ariyana cũng đánh gái rất lớn tiềm năng của các dự án bất động sản du lịch, sinh thái ven đô khi cho rằng, nhu cầu du lịch, vui chơi của người dân các đô thị lớn như Hà Nội là cực lớn và gia tăng rất nhanh.

Theo đó, các dự án bất động sản du lịch, sinh thái ven đô, nếu được đầu tư bởi các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, với nhiều dịch vụ giải trí hoàn hảo sẽ có cơ hội phát triển tốt. Ngược lại, các dự án nhỏ, manh mún sẽ gặp nhiều khó khăn trong khai thác, vận hành.

Cũng theo ông Kha, rất nhiều doanh nghiệp lớn và có tiềm lực tài chính hiện nay đã lắm bắt được xu hướng này, đã và đang đầu tư rất lớn cho các dự án bất động sản du lịch, sinh thái ven đô.

Trao đổi với BizLIVE mới đây, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp Hội bất động sản Việt Nam cũng đánh giá rất cao tiềm năng và nhu cầu với bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Quang cho biết, bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội sẽ có cơ hội thành công cao, nếu được đầu tư bởi các doanh nghiệp lớn, dự án có quy mô và có sự cam kết mạnh mẽ cả về tiến độ lẫn lợi nhuận đối với các nhà đầu tư.

Thiều Quang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.