Bất động sản nghỉ dưỡng ngủ đông đến bao giờ?
Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc chịu nhiều tác động xấu nhất của đại dịch COVID-19. Báo cáo mới đây của DKRA Vietnam cho biết, trong tháng 8, thanh khoản của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng từ Thừa Thiên Huế đến Phú Quốc đều ở mức thấp.
Trong đó, phân khúc biệt thự biển ghi nhận hai dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 47 căn, giảm 74% so với tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 6% (tương đương 3 căn), giảm 86% so với tháng trước.
DKRA cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nguồn cung mới và sức cầu thị trường sụt giảm mạnh, ghi nhận mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Nguồn cung mới tập trung cục bộ ở hai địa phương Khánh Hòa và Phú Yên. Hiện nay, nhiều dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị, dự kiến trong những tháng cuối năm nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Phân khúc nhà phố biển (shophouse biển) trong tháng 8 chỉ ghi nhận một dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 34 căn, tăng 31% so với tháng trước. Song, tỷ lệ tiêu thụ cũng ở mức thấp, khoảng 12% (tương đương 4 căn).
Nhiều dự án phải tạm ngừng triển khai, khóa giỏ hàng do dịch bệnh bùng phát căng thẳng trong tháng qua. Theo khảo sát của đơn vị này, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt vào quý IV, nguồn cung mới sẽ tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Bà Rịa –Vũng Tàu và Khánh Hòa nhưng đà phục hồi sẽ diễn ra chậm.
Riêng với condotel, sau những tín hiệu hồi phục tích cực vào giai đoạn đầu năm, phân khúc này tiếp tục rơi vào trạng thái "ngủ đông" khi hai tháng liên tiếp không ghi nhận nguồn cung mới được đưa ra thị trường, thanh khoản bằng không.
Theo đánh giá của DKRA, so với các loại hình khác, condotel đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay. Sức cầu chung toàn thị trường ở mức rất thấp. Dự báo nguồn cung trong tương lai tập trung chủ yếu ở khu vực Bình Thuận, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Có thể thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam duy trì một màu ảm đạm liên tục từ năm 2020 cho đến nay. Theo giới chuyên gia, tình hình sẽ không được cải thiện nhiều vào cuối năm nay.
Song, theo bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, triển vọng sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn. Việt Nam đang nỗ lực để đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2021.
Tại một số nước trên thế giới, việc bắt đầu áp dụng "hộ chiếu vắc xin" cũng đang là một xu hướng được ưa chuộng, với hy vọng vực dậy ngành kinh tế không khói ngay khi đại dịch đi qua.
Bà Trang cho biết thêm, dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam từ đầu năm 2020 thì đến nay, biến động của ngành du lịch nói chung và ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú nói riêng phụ thuộc hoàn toàn vào công tác kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.
"Nhu cầu dịch chuyển và lưu trú của khách du lịch nội địa là rất lớn, có thể quan sát rất rõ ở các giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát. Hiện nay, chúng ta đang trải qua đợt bùng phát dịch thứ 4, cũng là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất. Do đó mọi dự báo về ngành du lịch trong năm 2021 vẫn còn phải bỏ ngỏ khi các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng bị thắt chặt", vị này nói.
Xét trong trung và dài hạn, việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin đã được Chính phủ Việt Nam cũng như các nước trên thế giới xác định là chiến lược chính yếu để kiểm soát đại dịch và là chìa khóa mở cửa biên giới toàn cầu. Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều quốc gia bắt đầu thí điểm "hộ chiếu vắc xin" và từng bước dỡ bỏ một số hạn chế trong cách ly phòng dịch.
Tuy nhiên, bà Trang nhận định, với tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên thế giới còn ở mức thấp thì việc dựa vào "hộ chiếu vắc xin" để vực dậy ngành du lịch chỉ là tiền đề hữu hạn.
"Việc phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch, theo nhiều chuyên gia và tổ chức, chỉ có thể xảy ra khi toàn thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng, dự kiến nhanh nhất là vào năm 2023 khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ", chuyên gia Savills cho biết.