|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất động sản khu vực Đà Nẵng đang chững lại, môi giới lao đao

15:16 | 01/07/2018
Chia sẻ
Cơn sốt đất hạ nhiệt, giới đầu tư “cá mập” rút chân, thị trường bất động sản khu vực Đà Nẵng (bao gồm khu Nam Đà Nẵng - đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc) đang chững lại.
bat dong san khu vuc da nang dang chung lai moi gioi lao dao
Thị trường đi xuống, nhiều quầy giao dịch tại khu Điện Nam - Điện Ngọc đóng cửa im lìm.

Môi giới lao đao

Trong cái nắng gay gắt giữa trưa tháng 6, một vài nhân viên môi giới bất động sản tại Khu 7B – Đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) ngồi tụm lại bên quán nước sát lối vào. Thấy khách lạ dừng xe, ngay lập tức một nhân viên trong quán hăm hở chạy ra hỏi thăm. Và cũng rất nhanh chóng anh này lắc đầu ngao ngán khi biết rằng, vị khách không phải là nhà đầu tư đất.

Nhân viên này cho biết, từ đầu năm 2018, khi một số dự án tại đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc bị cơ quan chức năng thanh tra và phát hiện ra các sai phạm; đồng thời, một số dự án liên tục xảy ra khiếu kiện kéo dài do chủ đầu tư không bàn giao sổ đỏ cho khách hàng theo đúng cam kết, dẫn đến việc nhà đầu tư mất lòng tin và không còn “mặn mà” đối với các dự án tại đây.

“Cả tháng nay em không bán được một lô nào cả. Lác đác một vài khách đến đây xem qua, nhưng nghe tên chủ đầu tư xong là họ bỏ đi liền”, nhân viên này buồn rầu chia sẻ.

Anh Nguyễn Đăng Tú, quản lý của một công ty môi giới bất động sản tại Đà Nẵng cho biết, hiện tại, các công ty bất động sản có quy mô nhỏ và cả những nhân viên môi giới tại Đà Nẵng đang trải qua thời gian vô cùng khó khăn khi không có dự án mới để bán và duy trì hoạt động, cũng như không tìm ra nguồn khách có nhu cầu đầu tư đất tại thời điểm này.

“Thời điểm này năm trước, thị trường sôi động hết sức, các dự án ra hàng từng nào là hết hàng từng đó. Nay thị trường chững lại, nhân viên không có sản phẩm bán nên thu nhập bị ảnh hưởng, lương cơ bản cũng bị cắt giảm, dẫn đến không đủ sống, nên xin nghỉ việc khá nhiều”, anh Tú chia sẻ.

Chuyển hướng

Có thể nói, sau gần 4 năm tăng trưởng liên tục, bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam đang bước vào thời kỳ chững lại và đi xuống. Điều này hoàn toàn nằm ngoài tính toán của nhiều chủ đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, quản lý Trang tin A Lô nhà đất miền Trung cho biết, trước đây đất Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) và khu lân cận rất được nhà đầu tư quan tâm nhờ lợi thế hạ tầng cũng như khả năng đầu tư cao. Tuy nhiên hiện nay, lượng thanh khoản các sản phẩm đất nền tại đây rất ít, thậm chí giá bán cũng đã giảm 200 - 300 triệu đồng/lô so với trước Tết, nhưng không ai mua.

“Vừa rồi, tại khu Nam Hòa Xuân có một dự án mới với quy mô chỉ hơn 20 sản phẩm được chủ đầu tư chào bán, giá bán dao động trong khoảng 17 - 20 triệu đồng/m2, tương đương với giá bán các vị trí đẹp tại khu vực Hòa Xuân trước Tết, tuy nhiên thanh khoản lại rất kém, không được như Hòa Xuân”, bà Dung thông tin.

Theo lý giải của các chuyên gia, tình trạng ảm đạm của thị trường Đà Nẵng hiện nay là do nhóm đầu tư “cá mập” đã rút, nên thị trường không còn tình trạng mua đi bán lại.

Ông Lê Dũng, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Ariyana cho biết, giới đầu tư Hà Nội hiện nay đã “ra hết hàng” (bán hết đất) và rút lui khỏi thị trường Đà Nẵng để chuyển hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi khác.

“Các địa phương khác có nhiều lợi thế mới về lĩnh vực đầu tư được dự báo sẽ trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, nên đây sẽ là một kênh đầu tư mới mà nhà đầu tư đất đang quan tâm. Tuy nhiên hiện nay, giá đất tại một vài nơi cũng đã được đẩy lên quá cao, do vậy các nhà đầu tư cũng đang lăn tăn chứ không còn ồ ạt xuống tiền như cách đây hai tháng trước”, ông Dũng nói.

Dự báo về diễn biến của thị trường khu vực Đà Nẵng, ông Dũng cho rằng, thị trường bất động sản có chu kỳ lên xuống sau 3 - 5 năm. Và đây cũng là thời điểm mà thị trường Đà Nẵng đã lên đỉnh và bắt đầu giảm xuống. Mặc dù vậy, giá đất Đà Nẵng sẽ giảm từ từ cho đến cuối năm, chứ không giảm xuống nhanh ngay.

“Thời điểm cuối năm là thời điểm mà các nhà đầu tư chịu áp lực tài chính và đáo hạn trả nợ, lãi vay ngân hàng, nên sẽ tìm cách bán để xử lý nợ, khi đó giá đất sẽ nhanh chóng trở về giá trị thực vốn có. Thông thường, thời điểm ấy cũng là lúc các đơn vị có tiềm lực mạnh sẽ bắt tay "gom" các quỹ đất hoặc đầu tư các dự án mới để đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới trong tương lai”, ông Dũng nhận định.

Ngọc Tân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.